Đại diện Bộ An ninh Nội địa và Bộ Ngoại giao của Mỹ khẳng định, nếu không chọn sự thật hay quá trình khai báo xin visa thiếu tính hợp pháp, người ta có thể bị trục xuất khỏi nước Mỹ cho dù đã đến được Mỹ.
Vấn đề hợp pháp và tất cả phải là sự thật trong quá trình xin nhập cư đã được nhấn mạnh trong buổi chia sẻ thông tin với báo chí online do Bộ Ngoại giao của Mỹ phối hợp tổ chức hôm 8/5 cho khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Cung cấp thông tin và trả lời câu hỏi là bà Tricia McLaughlin, Trợ lý Bộ trưởng phụ trách Công chúng, Bộ An ninh Nội địa Mỹ, và ông Sean O'Neill, quan chức cấp cao phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Mỹ.

Bà Tricia McLaughlin, Bộ An ninh Nội địa Mỹ, và ông Sean O'Neill, Bộ Ngoại giao Mỹ. Nguồn: Bộ Ngoại giao Mỹ.
"Giấc mơ Mỹ" đi cùng việc khai báo thật
Lựa chọn tiên quyết cho cả quá trình xin nhập cư tại Mỹ là phải chọn sự thật để khai báo và thực hiện đúng trong cả quá trình nhằm không để bị lừa, không bị làm tan vỡ kế hoạch tương lai của nhiều người. Nếu không chọn sự thật hay quá trình thiếu tính hợp pháp, người ta có thể bị trục xuất khỏi nước Mỹ cho dù đã đến được Mỹ.
Ông Sean O'Neill - quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin trung thực khi xin cấp visa (thị thực) từ Bộ Ngoại giao Mỹ để vào được Mỹ.
Ông cũng nhấn mạnh rằng tất cả các quốc gia đều có chính sách riêng về việc người nước ngoài đến với quốc gia đó, nhằm bảo vệ an ninh, chống buôn người, chống buôn lậu ma túy và buôn bán động vật hoang dã, và cũng nhằm mục đích những người từ bên ngoài đến sẽ không vi phạm pháp luật tại quốc gia đó, sẽ không có các hoạt động phạm pháp.
"Tự trục xuất" nghĩa là vẫn còn có cơ hội quay lại nước Mỹ
Trong buổi thảo luận, phía Mỹ cũng giới thiệu thêm về CBP Home, là ứng dụng mới của Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP). Ứng dụng này đưa ra các tùy chọn cho phép người dùng báo hiệu "ý định rời Mỹ", có thể giúp người nhập cư bất hợp pháp chọn rời đi lập tức và tự trục xuất, thay vì bị nhà chức trách Mỹ trục xuất.
Bà Tricia McLaughlin - quan chức Bộ An ninh Nội địa Mỹ, nhấn mạnh, một cá nhân "tự trục xuất" thông qua CBP Home, cá nhân đó vẫn có cơ hội quay lại Mỹ một cách hợp pháp trong tương lai và theo đuổi giấc mơ Mỹ nếu đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết.
Ngược lại, theo luật pháp Mỹ, khi các cơ quan chức năng trục xuất ai đó ra khỏi nước Mỹ, người đó sẽ không bao giờ có thể quay lại lần thứ hai.
Vì vậy, giới chức Mỹ kêu gọi các cá nhân hãy sử dụng CBP Home để họ sẽ không bị bắt và bị giam giữ, đồng thời vẫn có cơ hội quay lại nước Mỹ.
Ở Mỹ trước đây, nhiệm vụ đi tìm để bắt và trục xuất người nhập cư trái phép chủ yếu do Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) thực hiện. Nhưng tình hình đã thay đổi từ khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2025: Ông đã huy động gần như toàn bộ lực lượng hành pháp liên bang, kể cả các đặc vụ FBI, để thực hiện nhiệm vụ này.

Giao diện ứng dụng CBP Home bằng tiếng Anh.
Trong buổi thông tin, bà Tricia McLaughlin - quan chức Bộ An ninh Nội địa Mỹ, cho biết: “Bất kỳ người nhập cư bất hợp pháp nào hiện nay sử dụng CBP Home để làm ‘tự trục xuất’ sẽ nhận được khoản trợ cấp 1.000 USD. Tiền này sẽ được trả sau khi việc họ đã trở về quê hương đã được xác nhận thông qua ứng dụng... Tự trục xuất là cách an toàn nhất để rời khỏi Mỹ và cho phép người nhập cư bất hợp pháp tránh bị ICE bắt, giam giữ và cuối cùng là ICE trục xuất”.
Bà McLaughlin cho biết phương pháp “tự trục xuất” sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí. Hiện nay, chi phí trung bình để bắt, giam giữ và trục xuất một người nước ngoài ở Mỹ là hơn 17.000 USD. Bà lấy ví dụ một trường hợp đã ứng dụng thành công cách “tự trục xuất”, cá nhân này đã dùng CBP Home để đặt thành công chuyến bay từ Chicago đến Honduras.
Về việc ứng dụng CBP Home được phản ảnh chỉ có tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Haiti cho chức năng “tự trục xuất” mà chưa có các ngôn ngữ phổ biến trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, ông Sean O'Neill cho biết ghi nhận phản ảnh này để phía Mỹ có thể hoàn thiện hơn nữa trong thời gian tới. Những phần khác trong ứng dụng CBP Home, bao gồm phần thông tin và phần Hỏi – Đáp, chỉ mới có tiếng Anh, câu trả lời cũng là sẽ tiếp tục cải thiện ứng dụng mới này về ngôn ngữ.
VietBF@ sưu tập