Ngày 30/4/25, Hoa Kỳ và Ukraine đã chính thức ký kết một sự thỏa thuận đối tác về kinh tế được đánh giá là bước ngoặt trong mối bang giao song phương, với trọng tâm là khai thác khoáng sản chiến lược, đặc biệt là nguồn đất hiếm.
Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và các giới chức tại lễ ký kết thỏa thuận khoáng sản quan trọng giữa Ukraine và Mỹ tại Washington D.C. vào ngày 30/4. (Ảnh: Yulia Svyrydenko/X)
Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko thông báo Ukraine và Mỹ ký thỏa thuận khoáng sản được mong đợi từ lâu vào ngày 30/4.
Theo tờ The Kyiv Independent, bà Svyrydenko đến Washington vào ngày 30/4 để ký thỏa thuận khung thay mặt cho Ukraine. Bà ký tài liệu này cùng với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent.
Bà Svyrydenko phát biểu:
"Tôi biết ơn tất cả mọi người đã làm việc để đạt đến sự thỏa thuận này và mang lại nhiều ý nghĩa sâu rộng hơn. Bây giờ, văn bản này có thể bảo đảm cho sự thành công cho cả hai quốc gia của chúng ta, Ukraine và Mỹ".
Ngay trước khi văn bản này được ký kết, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết chính phủ đã đồng ý phê duyệt thỏa thuận này.
Ông Shmyhal tuyên bố:
"Nhờ sự thỏa thuận này, chúng tôi sẽ có thể thu hút nguồn lực lớn cho công cuộc tái thiết, bắt đầu tiến trình giúp tăng trưởng kinh tế và nhận được các kỹ thuật tiên tiến từ các đối tác cũng như giới đầu tư chiến lược đến từ Mỹ".
"Quỹ đầu tư tái thiết" sẽ được Kiev và Washington cùng phụ trách quản lý trong một liên hệ đối tác bình đẳng, với sự đóng góp từ cả hai phía.
Theo ông Shmyhal, viện trợ quân sự trong tương lai từ phía Mỹ có thể được tính là một phần đóng góp vào quỹ, nhưng các khoản viện trợ trước đó sẽ không được tính vào. Ông Shmyhal khẳng định:
"Thỏa thuận không bao gồm bất cứ trách nhiệm nợ nần nào cả".
Theo giới quan sát, đây có thể là lần đầu tiên Mỹ triển khai mô hình đầu tư chung với một quốc gia đang có chiến tranh, thể hiện sự dịch chuyển chiến lược từ viện trợ ngắn hạn sang can thiệp kinh tế có điều kiện.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho hay:
"Thỏa thuận này là một thông điệp mạnh mẽ rằng chính quyền Tổng thống Trump cam kết theo đuổi một tiến trình hòa bình, với trọng tâm là một quốc gia Ukraine tự do, có chủ quyền và thịnh vượng lâu dài. Cả Mỹ và Ukraine đều mong muốn nhanh chóng đưa các giao dịch đối tác kinh tế lịch sử này vào thực tế, vì lợi ích của người dân Ukraine và người dân Mỹ".
Về phía Ukraine, giới chức nước này tuyên bố Kiev sẽ
"giữ toàn quyền sở hữu và kiểm soát các nguồn tài nguyên, bất kể sự tham gia của Mỹ trong quỹ đầu tư chung".
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal phát biểu:
"Ukraine sẽ giữ lại quyền kiểm soát hoàn toàn đối với tài nguyên khoáng sản, cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên của mình. Ukraine chỉ đóng góp từ tiền thuê đất và khoản lợi nhuận từ các giấy phép khai thác mới. Đóng góp của chúng tôi sẽ là 50%. Thỏa thuận này loại trừ mọi điều khoản liên quan đến khoản nợ của Ukraine về viện trợ quân sự hoặc tài chính trước đây của Mỹ. Đây là thành tựu quan trọng mà chúng tôi đạt được trong các cuộc đàm phán với các đối tác. Thỏa thuận chỉ bao gồm các khoản đóng góp mới và viện trợ mới".
Tuy nhiên, theo
Washington Post, bản thỏa thuận mới nhất giữa Mỹ và Ukraine không bao gồm bất cứ sự cam kết cụ thể nào về việc bảo đảm an ninh cho Kiev, cũng như không đề cập đến Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hiện do quân Nga kiểm soát. Điều này cho thấy chính quyền của Tổng thống Trump đang ưu tiên tập trung vào hợp tác kinh tế, thay vì can thiệp sâu vào các vấn đề quân sự nhạy cảm.
Một số giới chuyên gia phân tích đánh giá sự thỏa thuận về khoáng sản là một thắng lợi ngoại giao đáng kể đối với Tổng thống Trump, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn đất hiếm từ TQ. Ukraine được cho là đang nắm quyền sở hữu trữ lượng đáng kể của 22 trong tổng số 50 loại khoáng chất quan trọng theo phân loại của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, trong đó có nhiều loại cần thiết cho các ngành kỹ nghệ mũi nhọn như xe điện, quân sự và năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, phần lớn tài nguyên này chưa được khai thác ở quy mô thương mại. Với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ Mỹ, Kiev có cơ hội sẽ đẩy nhanh tiến trình khai thác tài nguyên và nâng cấp hạ tầng kỹ nghệ. Đổi lại, Washington sẽ mở rộng quyền tiếp cận các nguồn nguyên liệu chiến lược, từ đó giảm thiểu rủi ro về địa lý chính trị và tăng sức cạnh tranh về kỹ nghệ.
Bên cạnh những lợi ích kinh tế, sự thỏa thuận này cũng đặt ra nhiều câu hỏi, đặc biệt đối với Ukraine. Việc không có bất cứ điều khoản bảo đảm an ninh nào trong thỏa thuận khiến cho nhiều chuyên gia cảnh cáo rằng, Kiev đang ngày càng phụ thuộc vào Mỹ và các tập đoàn phương Tây. Trong bối cảnh hạ tầng còn yếu và chiến sự chưa kết thúc, Ukraine có thể ở vào thế yếu trong việc phân chia lợi ích và kiểm soát tài nguyên.
Cũng trong ngày 30/4, ông Shmyhal cho biết thỏa thuận khung sau khi được ký sẽ được trình lên Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) để cho phê chuẩn.