Theo như Ukraina ngay sau đó mới đây cho biết sẽ không tham gia cuộc gặp ba bên Mỹ - Nga - Ukraina tại Munich, sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua, 13/02/2025, đã bất ngờ thông báo một cuộc họp sẽ diễn ra giữa «các quan chức cấp cao của Nga, Ukraina và Mỹ » tại Munich, Đức, vào hôm nay, 14/02/2025.

(Ảnh tư liệu) - Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại thượng đỉnh G20, Osaka, Nhật Bản, ngày 28/06/2019. © Susan Walsh / AP
Theo AFP, một ngày sau cuộc điện đàm với tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về đường hướng cho phép chấm dứt chiến tranh Nga - Ukraina, tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua, 13/02/2025, đã bất ngờ thông báo một cuộc họp sẽ diễn ra giữa « các quan chức cấp cao của Nga, Ukraina và Mỹ » tại Munich, Đức, vào hôm nay, 14/02/2025. Phía Ukraina ngay sau đó cho biết sẽ không tham gia.
Ông Trump tuyên bố với báo giới là « các đại diện của Nga sẽ có mặt cùng với người của phía chúng tôi. Ukraina cũng được mời ». Tổng thống Mỹ nói thêm « không biết rõ những nước nào sẽ tham gia », ngoài 3 quốc gia nói trên. Khi được AFP đề nghị cung cấp thêm thông tin về cuộc họp này, Nhà Trắng đã từ chối.
Theo Reuters, ngay sau thông báo của tổng thống Mỹ, một cố vấn truyền thông của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, ông Dmytro Lytvine, cho biết Ukraina không có ý định tham gia cuộc họp này.
Về phản ứng của Nga, báo chí phương Tây và Ukraina dẫn lại phát biểu của phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov, hôm qua, theo đó « Ukraina sẽ tham gia vào các đàm phán, nhưng đối tác chính của chúng tôi là Washington ».
Liên Âu : Đàm phán « trên lưng » châu Âu và Ukraina sẽ « thất bại »
Cuộc điện đàm giữa hai tổng thống Mỹ - Nga bàn về chiến tranh Ukraina bị nhiều lãnh đạo châu Âu lên án. Chiều hôm qua, 13/02, tại Bruxelles, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu, Kajas Kallas, khẳng định mọi đàm phán « trên lưng » châu Âu và Ukraina chắc chắn sẽ « thất bại ».
Theo AFP, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu cảnh báo tình hình hiện nay có thể so với thời điểm 1938, khi các cường quốc châu Âu chấp nhận để chế độ Đức Quốc Xã sáp nhập một phần lãnh thổ nước Tiệp Khắc. Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm qua bác bỏ « mọi nền hòa bình áp đặt » đối với Ukraina.
Phó tổng thống Mỹ : Washington có thể gia tăng áp lực với Nga kể cả « về quân sự »
Sau các tuyên bố của tổng thống Mỹ, bị nhiều nước châu Âu lên án là phản lại quyền lợi của Ukraina và Liên Âu, phó tổng thống Mỹ J. D. Vance, trong một bài trả lời phỏng vấn được đăng tải trên báo Mỹ The Wall Street Journal hôm nay, khẳng định Hoa Kỳ ủng hộ « nền độc lập của Ukraina » trong các thương thuyết tương lai với Nga, và để đạt được một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh, sẽ tiếp tục gây áp lực với Matxcơva nếu cần, kể cả « về mặt quân sự ».
Theo Reuters, phó tổng thống Mỹ và tổng thống Ukraina dự kiến có cuộc gặp trước lễ khai mạc Diễn đàn thường niên về an ninh quốc tế tại Munich.