Dông cát là món đặc sản của vùng đất Bình Thuận. Đến Phan Thiết mà chưa ăn dông thì coi như chưa đến. Tuy nhiên với những món ăn từ bò sát, có thể thực khách sẽ cần chút can đảm để thử một lần.
Bình Thuận là nơi có những đồi cát mênh mông đầy nắng. Những bờ cát ấy nuôi dưỡng nên một sản vật đặc trưng cho quê hương nơi đây, thứ mà thực khách được trải nghiệm một lần rồi sẽ khắc khoải trong lòng một nỗi nhớ. Ẩm thực của nơi này vừa đa dạng, vừa phong phú, với nhiều món ngon khó cưỡng. Có lẽ ẩm thực đôi khi cũng tạo nên linh hồn của một vùng đất. Nơi cá nước chim trời, nơi đồng xanh rừng lạ, đủ thức quý lại thơm ngon. Đặc sản dông Bình Thuận rất nổi tiếng nhưng không phải ai cũng biết đến.
Dông cát nướng muối ớt đắt hàng trên các bàn nhậu của khách bởi miếng thịt ngọt thơm, dai giòn hài hòa với vị cay the của ớt cùng các gia vị khác. (Ảnh: MiA)
Dông là một loài động vật bò sát sống trong hang, hay được gọi là con kỳ nhông cát, hay dông cát. Đây là loại bò sát chủ yếu sinh sống ờ vùng đất cát, thường xuất hiện ở các tỉnh dọc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ như Bình Thuận, Ninh Thuận… Dông cát sinh sống tốt trong môi trường nắng nóng khắc nghiệt, có khả năng nhịn uống nước lâu ngày, thường tập trung ở các bãi đất hoang, các khu vực trồng phi lao.
Dông cát xuất hiện nhiều nhất vào mùa mưa, khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch. Để có thể bắt được con dông, người ta phải đi lên những đồi cát và lần theo dấu chân để tìm hang dông ở. Nhìn hình dáng bên ngoài, dông cát trông khá giống thằn lằn, nhưng kích thước thường lớn hơn. Theo những người sành ăn, thịt dông trắng như thịt gà, có vị bùi và mềm hơn, da giòn giòn sựt sựt, chỉ cần vượt qua được cảm giác sợ hãi ban đầu thì khi ăn rất bắt miệng, hấp dẫn.
Dông cát được xem là món ăn đặc sản vì thịt của nó trắng như thịt gà nhưng có vị ngọt, bùi và mềm hơn. Da dông cát giòn trong khi xương lại rất mềm, gần như là sụn. (Ảnh: kienthuc.net)
Dông trưởng thành có thể dài tới 30cm và nặng đến 5kg. Người Bình Thuận thường dùng lưới, dò, hay đào cát, bẫy, chặn ngách để bắt dông đem về chế biến. Dông trong tự nhiên chắc thịt và ngon hơn dông nuôi nhốt, vì thế rất được du khách ưa chuộng.
Dông săn bắt trong tự nhiên có hương vị thơm ngon đặc biệt hơn dông nuôi. Do đặc sản quá nổi tiếng nên nhu cầu tiêu thụ tăng nhanh, lượng dông trong tự nhiên giảm mạnh. Bởi vậy, hàng loạt các trang trại nuôi dông được hình thành.
Thơm ngon đã đành, thịt dông được cho là còn có nhiều tác dụng cho sức khỏe. Theo Đông y, dông cát có tác dụng giảm đau, tiêu độc, bổ sung dinh dưỡng. Đồng thời, dông cát được ứng dụng nhiều trong Đông y vì chúng sống trong môi trường tự nhiên, thức ăn chủ yếu là chồi non của các loại thảo dược vì thế mà thịt của dông cũng bổ dưỡng hơn.
Món ăn đặc sản ở Bình Thuận: Dưới bàn tay khéo léo cùng thấu hiểu được sản vật quê hương, những kỹ nghệ chế biến dông cát của các đầu bếp nơi đây luôn khiến thực khách thán phục
Các đầu bếp nổi tiếng sẽ chế biến thịt dông mềm giòn ngọt thành bảy món ăn độc đáo, đem tới những trải nghiệm về ẩm thực vô cùng thú vị cho thực khách. (Ảnh: Crystal Bay)
Dông cát đem đi chế biến thường là dông trưởng thành, mập mạp. Qua quá trình sơ chế vệ sinh sạch sẽ, thịt dông sẽ được tẩm ướp gia vị, chủ yếu bằng muối ớt và nước mắm. Từ dông cát có thể làm thành nhiều món ngon như dông nướng, dông xào sả ớt, gỏi dông, cháo dông, chả dông, trứng dông chiên bơ, cà tím cuốn dông, dông hấp… Nhưng hấp dẫn và khiến thực khách nhớ mãi không quên có lẽ là món dông nướng ớt, vừa đơn giản vừa giữ được hương vị thơm ngon tự nhiên của nguyên liệu.
Người Bình Thuận thường lột da, cắt tiết và sơ chế sạch sẽ trước khi đem dông đi ướp với muối ớt và một số gia vị khác như tiêu, hành sả băm nhuyễn cùng chút nước mắm ngon. Sau khi ướp khoảng 30 phút, dông được nướng trực tiếp trên bếp than hồng.
Khi thịt dông ngả vàng ruộm, thịt săn lại tỏa hương thơm là dông đã chín. Phần thịt nhìn giòn nhưng vẫn mọng nước mà không bị khô quắt lại, thấm đẫm gia vị. Ngay cả những thực khách khó tính nhất cũng phải xiêu lòng trước mùi thơm của dông nướng, vị thơm ngọt của thịt hòa quyện với chút cay cay của muối ớt.
Món dông nướng muối ớt có thể được ăn kèm bánh tráng nướng, bánh tráng cuốn, bún, rau sống và chấm cùng chút mắm me chua ngọt. Tất cả những nguyên liệu đều rất bình dị, dân dã nhưng chính sự khéo léo của người dân địa phương đã tạo nên một món ăn nức tiếng làm nên tên tuổi cho Bình Thuận nắng, gió.
Trước đây, dông thường chỉ là món ăn, món nhậu của người dân địa phương, nhưng dần dần lại thành đặc sản, xuất hiện trong cả thực đơn của các nhà hàng, khu du lịch.
Gỏi dông cũng là món ăn được du khách ưa chuộng không kém dông nướng. Để làm gỏi, dông để nguyên xương được bằm nhỏ, xào chín và trộn với cóc hoặc xoài xắt chỉ, rau thơm, đậu phộng rang giòn, nước mắm pha và đặc biệt phải có lá xào dông, một thứ lá trông giống lá chùm ruột non, sống trên vách đá vùng khô hạn, mùi thơm thoảng vị chát. Gỏi dông ăn với bánh tráng nướng, thứ bánh tráng dày, nhiều mè, nướng vàng rụm, xúc mãi không chán.
Món ngon từ dông cát tiếp theo phải kể đến chả dông. Sau khi sơ chế dông bằng cách lột da, bỏ đuôi, ruột, chân thì người ta sẽ mang dông đi băm nhuyễn hoặc thái nhỏ cùng nhiều loại gia vị như ớt, sả, hạt tiêu xay, tỏi… Chả dông thường được ăn cùng các loại rau sống, dưa leo thái nhỏ và chấm với nước chấm đậu phộng.
Sau cuộc rượu, người sành ăn còn muốn húp chén cháo dông nóng hổi. Thịt dông làm cháo cũng được giã nhuyễn, thường được để thêm ra từ thịt làm chả. Trước khi nấu cháo, thịt dông cũng được xào qua với dầu ăn rồi đun sôi. Gạo để nấu cháo cũng phải chọn loại gạo thơm, ngâm sơ với nước lã rồi đổ vào nồi nước thịt sôi, nêm mắm muối, mì chính, hành tiêu cho vừa vặn là đã có nồi cháo ấm áp dành bồi bổ cơ thể.
VietBF@ sưu tập