Trong tuần này, các nhà khoa học vừa công bố phát hiện ra loài san hô lớn nhất thế giới nằm ở Tây Nam Thái Bình Dương.
Theo hãng CNN, loài san hô khổng lồ này được phát hiện trong một cuộc thám hiểm khoa học do chương trình Pristine Seas của National Geographic khởi xướng vào tháng 10 năm nay để nghiên cứu sức khỏe đại dương ở Quần đảo Solomon.
Một góc nhìn từ trên không gian về rạn san hô lớn nhất thế giới, dưới đuôi tàu nghiên cứu, được phát hiện ở Quần đảo Solomon vào tháng trước. Ảnh: Steve Spence/National Geographic Pristine Seas
Theo các nhà khoa học, rạn sạn hô dài hơn 100 feet, tồn tại trong khoảng 300 năm tuổi và có thể nhìn thấy từ không gian.
Trong thông tin từ Pristine Seas, loài san hô này lớn gấp ba lần so với loài từng phá kỷ lục trước đó ở Samoa thuộc Mỹ và dài hơn cá voi xanh - loài động vật lớn nhất hành tinh.
Loài san hô này đã phát triển liên tục trong nhiều thế kỷ.
"Ngay cả khi chúng ta đã nghĩ rằng không còn gì để khám phá trên Trái đất thì chúng ta lại tìm thấy một loài san hô khổng lồ được tạo thành từ gần 1 tỷ polyp nhỏ, đang phát triển", Enric Sala, nhà thám hiểm thường trú của National Geographic và là người sáng lập Pristine Seas cho biết.
Nhìn từ trên cao, loài san hô này trông giống như một tảng đá màu nâu khổng lồ, nhấp nhô. Một số người trong đoàn thám hiểm ban đầu thậm chí còn nhầm nó với một con tàu đắm.
Manu San Félix, nhà sinh vật học biển và là nhà quay phim dưới nước đã lặn xuống để xem tận mắt.
"Ngay giây đầu tiên, tôi nhận ra rằng mình đang nhìn thấy thứ gì đó độc đáo. Kích thước của san hô "gần bằng kích thước của một nhà thờ lớn".
Các nhà khoa học sau đó đã kiểm tra hình ảnh vệ tinh và phát hiện ra rạn san hô này rất lớn, có thể nhìn thấy từ không gian.
Đến gần, san hô biến đổi thành một thứ gì đó ngoạn mục, với mạng lưới phức tạp của các polyp. Những sinh vật nhỏ bé đã phát triển qua nhiều thế kỷ để tạo thành rạn san hô khổng lồ như vậy.
San hô là nơi trú ngụ của nhiều sinh vật biển bao gồm cá, cua và tôm. Ông San Féliz cho biết nó cũng giống như một cuốn bách khoa toàn thư sống, chứa thông tin về tình trạng đại dương đã tồn tại từ hàng trăm năm trước.
Kích thước khổng lồ của san hô gây ra một số vấn đề vì thước dây của các nhà khoa học không đủ dài để đó cả khối. Các nhà khoa học phải làm việc theo nhóm gồm hai người, kéo căng thước dây giữa họ. Khi kết thúc, một người sẽ ở lại vị trí đó trong khi người kia cuộn thước dây lại, trước khi bơi đến chỗ họ để tiếp tục quá trình.
Phát hiện này là tin tốt hiếm hoi về đại dương trước cuộc khủng hoảng khí hậu đang ảnh hưởng rất lớn đến môi trường biển.
Phát hiện thú vị
San hô rất quan trọng đối với các sinh vật biển, là môi trường để chúng kiếm thức ăn và trú ẩn, nhưng cũng rất quan trọng đối với con người. San hô cũng mang lại lợi ích cho con người, bằng cách hỗ trợ nghề cá và tạo ra vùng đệm chống lại bão và mực nước biển dâng cao.
Đối với các nhà khoa học, đây là một điểm nhấn trong sự nghiệp. Paul Rose, trưởng đoàn thám hiểm Pristine Seas của National Geographic cho biết: "Việc khám phá ra điều quan trọng này thực sự là giấc mơ tuyệt vời nhất".
Đối với Quần đảo Solomon, rạn san hô khổng lồ này có thể thu hút các nhà nghiên cứu, khách du lịch và thúc đẩy nguồn tài trợ bảo tồn.
Nhưng cũng có "lý do đáng báo động". Mặc dù nằm ở vị trí xa xôi, rạn san hô này không an toàn trước tình trạng nóng lên toàn cầu và các mối đe dọa khác của con người".
San hô đang gặp nguy hiểm do nhiều yếu tố tại địa phương, bao gồm đánh bắt quá mức, ô nhiễm công nghiệp và nước thải.
Tuy nhiên, mối đe dọa lớn nhất lại là mối đe dọa toàn cầu: cuộc khủng hoảng khí hậu do nhiên liệu hóa thạch gây ra.
Tháng trước, các nhà khoa học từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia đã xác nhận tình trạng san hô bị tẩy trắng hàng loạt trên toàn cầu do nhiệt độ đại dương tăng cao chưa từng thấy.
Liên minh quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên công bố báo cáo cho biết hơn 40% các loài san hô đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, chủ yếu là do biến đổi khí hậu.
"Sự sống còn liên tục của san hô... đang bị đe dọa", Derek Manzello, điều phối viên của Chương trình Theo dõi Rạn san hô của NOAA, cho biết.
Mặc dù có thể bị tác động của biến đổi khí hậu nhưng các chuyên gia tin rằng sức khỏe và tuổi thọ của loại san hô vừa được tìm thấy có thể mang lại một tia hy vọng.
"Tuổi thọ của loài san hô này kéo dài hàng trăm năm tuổi, cho thấy rằng các rạn san hô vẫn chưa hoàn toàn mất hết. Đây thực sự là một phát hiện thú vị!", ông Manzello cho biết.
Emily Darling, Giám đốc rạn san hô tại Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang đã gọi khám phá này là "điểm sáng về sự sống còn của rạn san hô". Điều này cho thấy vẫn còn những điều kiện môi trường mà san hô có thể tồn tại và phát triển, thậm chí có khả năng chịu tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học đã tìm thấy "Tam giác san hô" ở các vùng biển nhiệt đới thuộc Indonesia, Malaysia, Papua New Guinea, Philippines, Quần đảo Solomon và Đông Timor, trong đó chứa ít nhất 500 loài san hô tạo rạn ở mỗi vùng sinh thái với khả năng chống chọi tốt hơn với tình trạng san hô bị tẩy trắng./.