Vietbf.com - Trung Quốc có thể ngang ngược không công nhận phán quyết của tòa trọng tài về “đường chín đoạn”, nhưng có thể khuất phục trước sức mạnh của tự nhiên khi bão lớn đe dọa đến các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây trái phép ở Biển Đông, tờ Quartz của Mỹ nhận định.
Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters
Trong khi Trung Quốc khăng khăng tuyên bố phớt lờ phán quyết Tòa Trọng tài 12/7 và tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo, họ có thể thua chính sóng, bão, và mực nước biển dâng cao khi cố gắng củng cố các cấu trúc được xây dựng trên những rạn san hô yếu ớt đã bị hư hỏng, bình luận viên Steve Mollman nhận xét trên Quartz.
"Thiên nhiên có thể là mối đe dọa thậm chí còn mạnh hơn luật pháp quốc tế", ông viết khi chỉ ra rằng nhiều cấu trúc trên các đảo nhân tạo của Trung Quốc đối mặt với mùa mưa bão đầu tiên. Tuần này, cơn bão Nida đi qua Biển Đông, đổ bộ vào Trung Quốc, sau khi trút lượng mưa đến 300 mm ở Philippines.
Trong vài năm qua, Trung Quốc đã nhanh chóng xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông, thiết lập các tòa nhà, đường băng, và hải đăng, thậm chí là cả trang trại trong nỗ lực củng cố yêu sách chủ quyền.
Theo Economist, thực tế, vài tháng sau khi xây đảo nhân tạo trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã phải sửa chữa góc phía đông bắc của nó do nó bị sụp xuống biển.
Các bãi đá thường là thực thể hứng gần như toàn bộ sức mạnh từ các đợt sóng lớn và các công trình xây dựng bên trên cũng phải chịu dư chấn tương tự. Một nghiên cứu năm 2014 được công bố trên tạp chí Nature Communications cho thấy rạn san hô có ích trong việc hạn chế thiên tai cho người dân ven biển. Báo cáo cho thấy rạn san hô giảm 97% sức mạnh các đợt sóng. Phần cạnh rìa hướng ra biển của rạn san hô có thể làm tiêu tan khoảng 86% năng lượng. Những con số này cho thấy các cấu trúc xây dựng bên trên phải chịu tác động rất mạnh khi bị sóng lớn đánh.
Hơn nữa, nếu mực nước dâng lên, rạn san hô bị hư hỏng sẽ không thể thực hiện được điều chỉnh tự nhiên, và do đó làm cấu trúc xây dựng bên trên suy yếu, theo nhà sinh vật biển John McManus, giáo sư tại trường đại học Miami ở Florida, Mỹ.
Các cơn bão và siêu bão thường đi qua Biển Đông, đặc biệt là vào mùa hè. Thực thể như đá Chữ Thập vốn đã không chắc chắn trong điều kiện thường. Cơn bão có tốc độ gió lên tới 185 km/h cùng cột sóng cao khoảng 6 m có thể càn quét hoàn toàn hoặc ít nhất là gây thiệt hại nghiêm trọng đối với công trình đảo nhân tạo.
Tòa Thường trực hôm 12/7 ra phán quyết cho rằng Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) liên quan đến việc bảo vệ môi trường biển. Tòa cho rằng Trung Quốc đã gây "thiệt hại nghiêm trọng và lâu dài" với 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa gồm đá Châu Viên, đá Chữ Thập, đá Ga Ven, đá Gạc Ma, đá Tư Nghĩa, đá Subi, và đá Vành Khăn.
"Trong khi Bắc Kinh dường như quyết tâm vượt qua cơn bão pháp lý được tạo ra bởi các đảo nhân tạo họ xây dựng, chưa rõ liệu các cấu trúc bấp bênh đó có thể chống chịu được những cơn bão thiên nhiên hay không", Mollman nhận xét.