Vietbf.com - Chính quyền của Thủ tướng Hun Sen đang điều tra âm mưu đảo chính nhằm lật đổ ông Thủ tướng Hun Sen, vì nhiều người không hài lòng với ông Hun Sen đã "đứng sau các vụ chiếm đất của dân chúng, sát hại quan chức cấp cao và vi phạm nhân quyền".
Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) tổ chức tại Mông Cổ hôm 16/7. Ảnh: Reuters.
Reuters hôm nay dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia Chhum Sucheat cho biết cuộc điều tra tập trung vào Vichea Som, người đã công bố kế hoạch lật đổ ông Hun Sen qua Facebook và Youtube.
Trong video, Vichea Som mặc âu phục, thắt cà vạt rằn ri. Som cáo buộc chính quyền của ông Hun Sen "đứng sau các vụ chiếm đất của dân chúng, sát hại quan chức cấp cao và vi phạm nhân quyền".
Som kêu gọi các lực lượng ở Campuchia đứng lên chống lại điều mà ông cho là "chính quyền độc tài", song ông không nói về một cuộc đảo chính hoặc đe dọa đảo chính. Địa điểm Som chọn quay video được cho là thuộc về một đơn vị quân đội đóng tại phía tây nam Campuchia.
Mạng xã hội Facebook cũng xuất hiện một tài khoản mang tên Vichea Som với các hình ảnh giống người đàn ông trong video. Chủ tài khoản không trả lời các câu hỏi về đảo chính.
Vài tháng qua, căng thẳng giữa ông Hun Sen và các đối thủ đã gia tăng do Campuchia sẽ bước vào cuộc bầu cử địa phương vào năm sau và tổng tuyển cử năm 2018. Một số lãnh đạo đảng đối lập bị bắt giam và họ cho rằng đây là chiến dịch đàn áp của chính phủ trước các tiếng nói chỉ trích.
Hôm 10/7, Kem Ley, người nổi tiếng với các chỉ trích nhằm vào ông Hun Sen bị ám sát tại thủ đô Phnom Penh. Cơ quan điều tra Campuchia cho biết ông Kem Ley có thể bị giết do nợ tiền, song các nhà hoạt động chính trị cho rằng vụ án mang động cơ chính trị.
Kem Ley chỉ trích cả chính phủ Campuchia và các đảng đối lập nhưng chủ yếu là nhằm vào đảng cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen. Ông ủng hộ một kỷ nguyên chính trị trong sạch tại Campuchia.
Tin về âm mưu đảo chính được đưa ra một ngày sau khi quan chức cấp cao Mỹ về vấn đề nhân quyền kêu gọi các đối thủ chính trị của chính quyền ông Hun Sen nên quay lại đàm phán trong bối cảnh "tình hình đang xấu đi".