Năm 2014, uy tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin lên cao kỷ lục với 81% phiếu bình chọn, vượt xa tỷ lệ 66% của năm 2013. Đó là con số do Trung tâm Nghiên cứu ý kiến xã hội toàn Nga (VSIOM) vừa công bố ngày 30/12. Theo đó, năm 2014, ông Putin lần thứ 10 đứng đầu danh sách bình chọn nhân vật nổi tiếng nhất nước Nga, bất chấp nền kinh tế của quốc gia này đang suy giảm, đồng Rúp mất giá nghiêm trọng, ngân sách bị co hẹp.
"Người Nga hiện có suy nghĩ rằng họ đang sống giữa các lệnh trừng phạt, họ là một thành trì bị vây hãm", AP dẫn lời Maria Lipman, một nhà phân tích độc lập, nói. "Kiểu suy nghĩ này được phát tán liên tục bởi truyền hình Nga: Còn ai khác để tin tưởng ngoài Putin? Putin chính là người cứu đất nước". Trong cuộc họp báo dài 3,5 giờ hôm 18/12, ông Putin cũng truyền đi thông điệp rằng ông chính là người lãnh đạo, và mọi thứ sẽ ổn.
Việc xây dựng hình ảnh một lãnh đạo cứng rắn, có khả năng đương đầu với phương Tây càng trở nên quan trọng với ông Putin khi nền kinh tế Nga gặp khủng hoảng do các trừng phạt từ Âu, Mỹ và giá dầu suy giảm. Có lẽ tổng thống cho rằng điều này sẽ giúp ông chế ngự cơn bão táp kinh tế, theo AP.
Mới đây, khi đề cập đến khủng hoảng kinh tế của nước Nga, ông Putin đã quy kết trách nhiệm và cáo buộc phương Tây có ý đồ "xiềng xích gấu Nga".
"Trước sự tấn công của phương Tây, kinh tế khó khăn trong một thời gian là cái giá mà nước Nga phải trả để bảo vệ nền độc lập của quốc gia", Tổng thống Putin tuyên bố trong buổi họp báo thường niên. "Sự trượt giá của đồng rúp và nguy cơ suy thoái kinh tế là do nhân tố bên ngoài".
Tổng thống Putin cũng trấn an rằng nền kinh tế Nga sẽ hồi phục sau hai năm và việc giá dầu thế giới giảm cùng các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ là động lực để nước này chuyển đổi cơ cấu.
"Tình hình kinh tế chắc chắn sẽ quay trở lại quỹ đạo bình thường. Cùng với sự giảm thiểu lệ thuộc của nền kinh tế Nga vào dầu khí, nền kinh tế sẽ ấm trở lại", ông phát biểu. "Cuộc sống sẽ thúc đẩy chúng ta, bởi giá năng lượng giảm sẽ kích thích đầu tư vào các ngành nghề khác vốn bị bỏ mặc".
Giới phân tích cho rằng việc ông Putin quy kết trách nhiệm cho phương Tây trước những khó khăn kinh tế mà nước Nga đang đối diện, một mặt là nhằm trấn an dư luận trong nước, mặt khác muốn gửi đến phương Tây thông điệp về thái độ kiên định của Moscow trên vấn đề Ukraine.
"Tình hình kinh tế khó khăn sẽ làm suy giảm sức ảnh hưởng của Putin, vì vậy ông ấy có thể sẽ vận dụng chủ nghĩa dân tộc như một công cụ hữu hiệu để duy trì vị thế chính trị", bình luận viên Max Fisher của hãng truyền thông Vox, Mỹ, cho biết. "Cách làm này của ông ấy rất hiệu quả, chuyển sự chú ý của người dân từ những khó khăn kinh tế, sang những kẻ thù bên ngoài như Ukraine hay phương Tây.
Còn nhà phân tích Kirill Rogov thuộc Viện nghiên cứu chính sách kinh tế Gaidar cho rằng, uy thế trong nước của Tổng thống Putin đến từ cam kết của ông với người dân Nga về sự trở lại của một quốc gia hùng cường và chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng cao, vì vậy nguy cơ khủng hoảng kinh tế có thể sẽ xói mòn hình tượng trên.
tm
|