Không phải là người Mỹ không thích khoe mà là chiếc iPhone không đáng để khoe. Một món đồ trị giá chừng 700 USD thì không thể để khoe của được.
Ba tuần đã trôi qua kể từ ngày chiếc iPhone 6 và 6 Plus ra lò. Tôi vốn không quan tâm lắm nhưng đột nhiên lại phải đi tìm thông tin sản phẩm vì chiếc iPhone 5 mà tôi đang dùng bắt đầu dở chứng. Thật ra thì điện thoại của tôi dùng đã hai năm mà tôi phải làm việc khá nhiều trên điện thoại nên nó có hư cũng phải.
Trong khi tôi đang tìm hiểu thì tôi lại gặp một số bài viết về chuyện có nên mua iPhone hay không. Hoá ra người Việt Nam cũng quan tâm tới quả táo méo rất nhiều, đến độ sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu để sắm sửa cho mình chiếc iPhone mới cho đúng đẳng cấp. Những ai có điện thoại mới thì bảo đấy là đam mê hay đơn giản là mình có điều kịên. Còn tôi thì thở dài khi biết rằng dân mình vẫn cho chiếc điện thoại là... đẳng cấp.
slide-091914-iphone-11-1004439-1667-6382
iPhone 6 có thực sự đẳng cấp đến mức đem khoe?
Ở Mỹ, nơi sáng tạo ra chiếc iPhone, mọi người cũng quan tâm tới quả táo. Ngoài những người ham mê các thiết bị địên tử ra thì cũng có khá nhiều... nhà đầu tư. Tôi cũng trông chừng sự kiện này để xem nó ảnh hưởng tới mớ cổ phiếu điện tử của mình thế nào.
Những kẻ xếp hàng ngoài cửa hàng của Apple có hai dạng: những ai đam mê công nghệ và những người đi mua để bán lại cho các tay buôn hàng xách tay về Trung Quốc hay Việt Nam để làm giá. Điểm chung duy nhất của hay dạng người này là... họ đều không có nhiều thứ để làm. Đa phần người Mỹ có công việc đều chẳng thể bỏ ra vài ngày xếp hàng như thế.
Chắc chắn là người Mỹ không mua iPhone để khoe của. Không phải là người Mỹ không thích khoe mà là chiếc iPhone không đáng để khoe. Một món đồ trị giá chừng 700 USD thì không thể để khoe của được.
Ở Mỹ, người ta hay khoe những công việc mà họ đã làm, những thành tích học tập hay làm việc, những nước mà họ đã tới, hay những công việc thiện nguyện mà họ đã làm.
Khi khoe của thì họ khoe căn nhà cao rộng nhìn ra bờ biển hay bờ hồ, những chiếc xe hơi trăm nghìn USD, hay chí ít cũng phải là một bộ sưu tập rượu vang hay một giỏ gậy đánh golf cao cấp. iPhone thì ai cũng có, kể cả các em sinh viên hay anh chàng lao công ở công sở.
Tôi cũng phải dùng iPhone do yêu cầu công việc. Các đồng nghiệp của tôi ai cũng dùng điện thoại thông minh vì yêu cầu công việc, bởi không ai lại có thể không trả lời email hay không truy cập internet mọi lúc.
Với người Mỹ, lựa chọn dùng điện thoại thông minh hay không, hay là chọn dùng Samsung Galaxy hay iPhone chỉ là vấn đề tính năng. Tôi chọn iPhone vì... bàn tay của tôi nhỏ, không thể dùng màn hình to của Samsung. Và cũng vì vậy mà tôi đâm ra cáu bẳn với chiếc iPhone 6 với màn hình rộng.
Cuộc tranh cãi về iPhone ở các nước phát triển vì vậy gần như không có. Hay ít ra thì nó cũng không sôi nổi và chắc chắn là không liên quan tới cách xài tiền hay đẳng cấp như ở Việt Nam.
Người Mỹ nhận định là ở Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác, người tiêu dùng chọn mặt hàng trước hết là để khẳng định địa vị, sau mới là các yếu tố tiện dụng và nhu cầu. Cho nên, người Mỹ mới tiếp cận các nền kinh tế này theo phương pháp "thiết lập đẳng cấp."
Và người Việt Nam chúng ta chắc cũng nằm trong kế hoạch đó của các công ty Mỹ.
VNE