Càng nghe chương trình phát thanh ngoại quốc, dân Bắc Hàn càng muốn vượt biên
SEOUL (Stars & Stripes) - Bắc Hàn từ trước đến này vẫn tìm cách giữ không cho dân chúng ở quốc gia nghèo đói này nổi loạn bằng cách tuyên truyền rằng tuy trong nước đã khổ nhưng ở thế giới bên ngoài tình hình còn tệ hại hơn nhiều.
Ðây là cách giúp cho ba thế hệ gia đình họ Kim cai trị Bắc Hàn trong suốt gần 60 năm qua, với lệnh cấm không cho dân chúng được theo dõi tin tức từ cơ quan truyền thông ngoại quốc.
Nhưng cũng giống như dân Ðông Ðức trước đây cố nghe được đài Âu Châu Tự Do (Radio Free Europe) và các đài Tây Phương khác trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, người dân Bắc Hàn - có thể lên tới hàng triệu người - có vẻ đã nhận ra được rằng thế giới bên ngoài hoàn toàn khác với những gì nhà nước nói với họ, nhờ vào khoảng một chục chương trình phát thanh đưa tin tức vào quốc gia này.
Sự kiện biết được những gì ở bên ngoài cũng là một trong các lý do chính khiến ngày càng có nhiều người dân Bắc Hàn can đảm tìm cách vượt biên.
Peter M. Beck, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Á Châu Thái Bình Dương của đại học Stanford University cho hay rằng chính quyền Bắc Hàn đang ngày càng mất dần sự độc quyền tin tức.
Và tuy rằng không có cách nào biết chính xác có bao nhiêu người dân Bắc Hàn nghe được các chương trình như RFA hay VOA, các giới chức trách nhiệm những chương trình này nói rằng số thính giả của họ nay ở vào khoảng từ 15% đến 30% dân số Bắc Hàn.
Các thống kê có được cho thấy cùng với sự hiểu biết nhiều hơn về thế giới bên ngoài là sự gia tăng về số người Bắc Hàn vượt biên.
Trong thập niên 90, con số đào tị sang Nam Hàn chưa được 100 người mỗi năm. Sang đến năm 2000 là 312 và 2004 là 1,898. Trong 5 năm qua, con số trung bình hàng năm về số người Bắc Hàn trốn sang Nam Hàn ở vào khoảng từ 2,401 đến 2,914 người. (V.Giang/NV)
|