Có một bà cụ xấp xỉ 80, nắm rõ từng điều khoản của các luật. Hàng ngày bà đọc báo, lướt net cập nhật thông tin... Nhiều năm nay, bà là người quyết liệt chống tiêu cực. Đó là cụ Lê Hiền Đức, hiện sống tại ngõ Pháo đài Láng - Hà Nội.
"Bà già lắm chuyện"
Ba gia lam chuyen chong tieu cuc
Ngày nào bà Đức cũng phải nhận những cuộc khiếu kiện qua điện thoại. Ảnh: Ngọc Lê
"Lại chuyện bà Đức à? Nhà bà ấy ngày nào chẳng có người chạy ra đây photo tài liệu", anh thợ của một cửa hàng photo ngay trong ngõ Pháo đài Láng vừa lật soàn soạt tập đơn từ, vừa cười rôm rả, "bà già chống tiêu cực ấy thì ở đây ai chẳng biết. Dữ lắm".
"Chúng tôi hồi còn bé thỉnh thoảng gọi đùa mẹ là Lê Ác Đức vì mẹ quá nghiêm khắc với chị em chúng tôi. Nhưng khi lớn lên chính tôi lại giống mẹ ở tính thẳng thắn, không chịu được những chuyện chướng tai gai mắt", chị Trần Thị Mỹ Hạnh, con gái bà Lê Hiền Đức mở đầu câu chuyện về người mẹ của mình.
Ngay cả bây giờ, những người hàng xóm vẫn không muốn "dây" với "bà già lắm chuyện" bởi bà hay xét nét, săm soi những chuyện tiêu cực xung quanh, bất kể đó có phải là việc của mình hay không. Ai nấy trong ngõ đều quá quen với cảnh tượng từ sáng tinh mơ đến tối mịt, liên tục có những chiếc xe máy tìm đến nhà bà Đức, nhiều xe mang biển số ngoại tỉnh. Người bưu tá ngày nào cũng tuồn qua khe cửa nhà bà những bức thư lạ hoắc lạ huơ gửi về từ Lâm Đồng, Đăk Lắk.v.v.... Người nhờ bà tư vấn cho một vụ tiêu cực trong giáo dục, người phản ánh những bức xúc xung quanh chuyện "quan xã" ức hiếp dân lành.
Có lần, con bà phải cảnh báo "mẹ cứ thế rồi thì người ta đến mắc võng ở trước cửa nhà mình đấy".
Những "bạn già" của bà, ai nấy đều góp ý "Ui giời, hơi đâu mà tham gia mấy cái việc động trời ấy, nằm khểnh ra mà xem truyền hình, đi chơi với con cháu cho sướng cái thân già"... Con cái thấy bà không cơm cháo gì, cứ bánh mỳ khô và một lọ nước sâm để cầm hơi thì xót mẹ, phải "dọa" "mẹ không muốn nhàn thân thì ốm đau gì chúng con không chăm đâu nhé". Rồi tìm cách "hạ hỏa" cho bà: "mẹ đấu tranh làm gì chuyện thiên hạ. Một tay mẹ không che hết được mặt trời đâu".
Nhiều vị quan chức thành phố, nhận đơn khiếu nại của bà thì cứ nhận, cũng động viên sẽ giải quyết. Nhưng hễ nghe ai đó nhắc động đến tên cụ Lê Hiền Đức là gạt phăng: "bà già lắm chuyện".
Chẳng thế mà khi một PV truyền hình, cũng là "cộng sự" đắc lực cho bà cụ trong việc chống tiêu cực, hỏi "ai nấy đều phản đối, vậy cụ có cảm thấy mình đơn độc hay không?", thì nhận được câu trả lời rằng bà không bao giờ thấy đơn độc nhưng rất buồn vì mình làm việc nghĩa mà chẳng ai ủng hộ.
Nhưng rồi, hễ ra đường thấy chuyện chướng mắt là bà lại quên hết, lại lao vào "đánh đập". "Nó ngấm vào máu mất rồi" - Bà kéo cặp kính ra để nhìn người đối diện cho rõ, khẳng định chắc nịch.
Có lần bà còn "đánh" tiêu cực cả ở trường một đứa cháu đang học. Con cái đến thuyết phục mẹ "bỏ qua" vì sợ mấy đứa trẻ con sẽ bị nhà trường biết mặt, biết tên mà trù dập. Nhưng bà cứ thẳng băng "trù dập được cháu tôi thì phải bước qua tôi đã".
Lên mạng chống tiêu cực
Ba gia lam chuyen chong tieu cuc
"Một ngày không vào mạng là tôi bứt rứt không yên". Ảnh: Ngọc Lê
"Tôi đã đấu tranh với tiêu cực từ xưa rồi. Nhưng làm mạnh nhất là từ cuối năm 2005 đến nay", bà Đức tâm sự. Một mình trong căn nhà đầy đủ tiện nghi, bà không chịu đến ở chung với bất kỳ đứa con, đứa cháu nào vì biết chúng không chịu được cái lịch sinh hoạt sôi sùng sục của mẹ.
Hàng ngày, bà Đức ngủ rất ít, không phải vì cái bệnh mất ngủ của người già mà vì khách khứa, điện thoại liên tục.
Luôn để sẵn một xấp giấy và cây bút chì ở đầu giường, có lần đang đêm bà bật đèn dậy ghi chép một vài phương án đấu tranh vừa thoáng hiện ra trong đầu. "Tôi cứ tất bật như thế thử hỏi con cháu nào chịu được?"- bà hóm hỉnh.
Xấp xỉ 80, "miễn dịch" với tất cả các loại bún, cháo, phở và ngại lọ mọ vào bếp, nên cứ sáng dậy chỉ cần "làm" cốc cà phê cho tỉnh táo là bà có thể online cả buổi. "Gần 80 mà mẹ tôi còn thành thạo công nghệ cao hơn cả con cháu. Lương hưu một giáo viên tiểu học chỉ 900 nghìn đồng/tháng thì chi hết 500 nghìn điện thoại, 200 nghìn Internet", chị Hạnh kể chuyện. Nếu con cái không để tâm thì bà chỉ ăn qua quýt cho xong bữa, nhưng hễ biết đến loại máy móc công nghệ nào phục vụ tốt cho chống tiêu cực như máy ảnh kỹ thuật số, dịch vụ ADSL là bà mua và cài đặt liền.
Nếu chẳng may sáng nào đó khi mở cửa ra đã có khách ngồi chờ khiến bà không kịp đọc báo, không online, không đọc mail và trả lời tin nhắn là suốt hôm đó bà bứt rứt khó chịu như người ốm dở. Trước kia nhà còn chưa nối mạng, bà là "khách ruột" của mấy quán net bình dân. Nay thì một mình một phòng làm việc thênh thang trên tầng 3 bà cứ một tay điện thoại, tay nhấp chuột, tiếp chuyện sang sảng với người trong điện thoại.
"Chớ ăn cơm Melia, con nhé"
Ba gia lam chuyen chong tieu cuc
"Gọi đến đâu tôi cũng phải thấy có căn cứ tin được thì mới cung cấp thông tin". Ảnh: Ngọc Lê
Ngày trước, bà thường chỉ thông tin tiêu cực rồi thôi, cũng chẳng để tâm xem kết quả thế nào. Sau này, có dịp kiểm lại bà mới hay "họ xếp xó nhiều quá", vậy là bà đổi ngay "chiến thuật". Có được những thông tin "quý báu", một mặt bà Đức phản ánh với cơ quan chủ quản yêu cầu giải quyết rốt ráo, mặt khác bà thông tin tới báo chí để tìm sự ủng hộ. Bà mua báo, vào mạng tìm số điện thoại đường dây nóng của các tòa báo, rồi "alô...".
"Các báo đều rất nhiệt tình phối hợp cùng tôi đi từng vụ một"- bà Hiền Đức bộc bạch. Nhưng cũng có lần bà gặp vị Phó tổng biên tập một tòa báo nọ, sau khi nghe trình bày, ông ta nói "cụ ơi, con biết cụ rồi... con sẽ đến tận nhà thăm và làm 1 bài thơ tặng cụ (!?), xin cụ, cụ giơ cao đánh khẽ thôi". Từ đó bà "cạch" không bao giờ gọi đến toà báo của ông Phó ấy nữa. "Gọi đến đâu tôi cũng phải thấy có căn cứ tin được thì mới cung cấp thông tin chứ. Báo chí phải cùng tôi đánh tiêu cực. Tôi không cần ai tặng thơ"...
Giờ thì nhiều tòa soạn đã biết tên, quen tiếng bà. Một số phóng viên đã trở thành "trợ thủ đắc lực" cùng bà "bài binh bố trận" chống tiêu cực. Họ giúp bà lưu giữ chứng cứ, đưa bà đến những nơi cần thiết... Và câu cửa miệng "chớ ăn cơm Melia con nhé" luôn được bà dành nhắc nhở các cộng sự nhiệt tình ấy.
Ngọc Lê - Duy Nguyên
Có lần khi sang đường ở ngã tư Trần Phú - Điện Biên Phủ, thấy viên cảnh sát "tách" người lái xe sang bên kia đường để phạt, nổi máu "hình sự", bà kín đáo kéo sụp nón theo sang. Nấp sau 2 gốc cây, bà chứng kiến trọn cảnh từ xin xỏ đến quát tháo và cảnh cậu lái xe đưa tờ polyme 50.000 cho viên CSGT mà không được nhận biên lai. Thế là bà vào cuộc... Xấp xỉ 80, nhưng bà cụ không thiếu những mưu mẹo, mánh khóe đấu tranh để đưa những vụ tiêu cực ra ánh sáng.
Đón đọc kỳ 2: "Đã đánh phải đánh cho dập đầu"
Việt Báo (Theo_VietNamNet