Để giữ hạnh phúc, nhiều cặp vợ Việt, chồng Tây đã trải qua những phút cười ra nước mắt.
Cùng làm trong một công ty Tài chính của Mỹ tại Việt Nam, Thanh và Mark (quốc tịch Mỹ) thường xuyên hỗ trợ, chia sẻ với nhau những khó khăn trong công việc. Hai năm làm chung, sau 9 tháng ngỏ lời yêu, cả hai đã quyết định kết hôn dù trước đó, gia đình Thanh phản đối khá nhiều và Thanh phải chống chọi với định kiến 'tham giàu lấy chồng Tây'.
Là con một, sau khi kết hôn, Thanh rất muốn hai vợ chồng chuyển về sống cùng bố mẹ vợ nhưng Mark một mực nói: Ở bên Mỹ, con cái kết hôn xong đều dọn ra ngoài ở. Hai gia đình Thanh-Mark và gia đình bố mẹ bây giờ hoàn toàn độc lập. Khi nào cần sự giúp đỡ thì họ sẽ tìm đến 'gia đình kia'. Ban đầu, Thanh không đồng ý và thuyết phục để Mark thay đổi quan điểm đó nhưng sau 1 tuần liền không đi đến đâu, bố mẹ Thanh thấy con gái mới kết hôn đã căng thẳng với chồng mở lời khuyên giải. "
Thôi thì con gái lấy chồng phải theo chồng. Các cụ nhà ta xưa nay vẫn dạy thế mà", bà Hạnh, mẹ Thanh nói.
Nhưng đó cũng mới chỉ là khó khăn nhỏ với vợ chồng Thanh - Mark. Bởi bố mẹ Thanh dù sao cũng sống và làm việc ở thành phố nhiều năm. Còn việc ứng xử với họ hàng nhà vợ của Marl mới khiến Thanh khổ sở. Ngày giỗ ông nội, Thanh đưa chồng về Lạng Sơn ra mắt họ hàng và cũng muốn Mark làm quen với lối sống dân dã Việt Nam.
|
Ảnh minh họa |
Anh chàng Tây đến Việt Nam hơn 2 năm nhưng phần lớn thời gian đều sống ở Hà Nội. Thi thoảng phải đi công tác Đà Nẵng, Hải Phòng nhưng tuyệt nhiên không có khái niệm nông thôn Việt Nam trong đầu. Thế nên, lần này về quê vợ, Mark không khỏi mắt tròn mắt dẹt, nhìn thấy cái gì cũng hỏi "What's this?". Rồi thì cách xưng hô chẳng theo ngôi thứ nào của Mark cũng khiến Thanh khó xử với mọi người. Ở cái vùng nông thôn phong kiến như quê Thanh, vai vế họ hàng là điều tối quan trọng, nhất là với các vị bô lão. Bà Hạnh lại một lần nữa đứng ra nói đỡ hộ con nhưng ông trưởng họ vẫn cáu giận bảo rằng không biết dạy con và "nhập gia tùy tục". Nhiều người trong họ hùa theo cũng ra điều khó chịu.
Nhưng đỉnh điểm là lúc Mark nhìn thấy cảnh làm cỗ. Trời nóng, các anh em họ của Thanh xoay trần thịt gà, thịt vịt. Mùi thịt sống tanh ngòm, lông gà, lông vịt vứt lung tung, Mark nhìn thấy thế luôn miệng "Oh, my God" rồi vẻ mặt ra chiều kinh hãi lắm. Đến bữa, nói thế nào cũng không chịu gắp thức ăn. Người này, người kia mời rượu cũng không dám uống. Suốt bữa cỗ, mọi người ném về phía Thanh - Mark ánh nhìn hình viên đạn.
Về nhà, Thanh giải thích lại với Mark về lề lối Việt Nam nhưng Mark nhất định không chịu, một mực nói rằng như vậy là giết hại động vật, là mất vệ sinh. Từ đó, cứ khi nào nói chuyện về quê, Mark đều chối nguây nguẩy. Còn Thành chẳng biết làm thế nào vẫn một mình xuất hiện trong các công việc họ hàng.
Kết hôn còn trẻ lại không có mẹ ở cận kề chỉ bảo, Thanh quay cuồng với cuộc sống gia đình. Người ta lấy chồng là để nhờ chồng nhưng đằng này, ngoài việc không phải lo gì về tài chính thì mọi thứ khác Thanh đều phải tự tìm cách giải quyết sao cho "đẹp anh, đẹp ả, đẹp cả đôi bên". Vợ chồng son hạnh phúc là vậy nhưng nhiều trong đầu Thanh lại hiện lên suy nghĩ "Giá như ngày ấy nghe lời bố mẹ, cưới một anh Việt Nam có phải là giờ đỡ khổ".
Nhưng kéo lại Mark là người rất tâm lý, tôn trọng vợ và hơn nữa họ rất yêu nhau nên là động lực để vượt qua xung đột. Tháng 3 tới, Thanh theo Mark sang Mỹ, lần đầu ra mắt nhà chồng, Thanh lo lắng vô cùng vì chắc chắn cô cũng sẽ phải đón nhận những cú shock văn hóa. Rất có thể Mark cũng giống như Thanh, sẽ có những lúc khó xử vì vợ.
Gia đình bình thường, vợ Việt - chồng Việt có nhiều lục đục bao nhiêu thì với những tổ ấm như của Thanh - Mark, sóng gió còn nhiều hơn gấp bội. Nhưng mấu chốt để giữ gia đình bền chặt vẫn là tình yêu thương, cảm thông, chia sẻ và thẳng thắn với nhau. Thêm nữa, cả hai phải thực sự cầu thị để tìm hiểu nếp sống, văn hóa ở một nơi họ chưa từng biết.
Theo Mộc Lan
Ngôi Sao