Trong khi người thu nhập thấp chật vật, giới nhà giàu Mỹ, được hưởng lợi từ thị trường chứng khoán và bất động sản tăng giá, đang là động lực thúc đẩy chi tiêu bán lẻ.
Trong khi giới nhà giàu thoải mái chi tiêu, tầng lớp trung lưu và người thu nhập thấp phải "thắt lưng buộc bụng". Ảnh minh họa: @
miarandria.
Giữa bối cảnh lạm phát leo thang, người tiêu dùng Mỹ vẫn "mạnh tay" chi tiêu tại các cửa hàng bán lẻ và nhà hàng. "Động lực" chính đến từ nhóm người tiêu dùng giàu có, với thu nhập tăng cao, giá trị nhà đất và cổ phiếu tăng vọt.
Nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy xu hướng này khác biệt so với giai đoạn trước đại dịch. Chi tiêu tiêu dùng, động lực chính của nền kinh tế Mỹ, dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm nay và năm tới.
Ngược lại, người thu nhập thấp chịu ảnh hưởng nặng nề từ lạm phát. Họ buộc phải thắt chặt chi tiêu với các mặt hàng không thiết yếu và có thể phải mất nhiều năm để phục hồi tài chính.
Bất chấp chi phí vay mua nhà, vay mua ô tô và thẻ tín dụng tăng cao, chi tiêu tiêu dùng điều chỉnh theo lạm phát vẫn tăng 3% trong năm 2022 và 2,5% trong năm 2023, theo Fast Company.
Người giàu hưởng lợi
Ngày 17/10, Bộ Thương mại Mỹ công bố doanh số bán lẻ tăng 0,4% trong tháng 9, cho thấy người tiêu dùng vẫn tự tin vào nền kinh tế và sẵn sàng chi tiêu. Đặc biệt, doanh số nhà hàng tăng 1%, chứng tỏ người dân vẫn sẵn sàng chi trả cho ăn uống bên ngoài.
Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta ước tính nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng mạnh mẽ 3,4% trong Q3/2024. Động lực chính đến từ nhóm hộ gia đình có thu nhập cao, những người được hưởng lợi từ thị trường nhà đất và chứng khoán bùng nổ sau đại dịch.
"Điều này chứng tỏ sức mạnh chi tiêu bền bỉ của nhóm người Mỹ giàu có, những người đang 'gồng gánh' toàn bộ nền kinh tế", Michael Pearce, Phó giám đốc kinh tế Mỹ tại Oxford Economics, nhận định.
Doanh số bán lẻ và nhà hàng tại Mỹ vẫn tăng trưởng, chủ yếu nhờ vào chi tiêu của người giàu. Ảnh minh họa: thirstymag.
Giá trị tài sản của 10% người Mỹ giàu nhất đã tăng vọt trong 4 năm qua. Theo Fed, giá trị nhà đất của nhóm này đã tăng 70% kể từ Q1/2020, đạt 17,6 nghìn tỷ USD. Tài sản chứng khoán cũng tăng 86%, lên gần 37 nghìn tỷ USD.
Tính đến tháng 8/2024, chi tiêu cho hàng hóa bán lẻ sau điều chỉnh lạm phát của nhóm hộ gia đình có thu nhập cao (trên 100.000 USD/năm) đã tăng gần 17% so với tháng 1/2018, trong khi nhóm thu nhập thấp (dưới 60.000 USD/năm) chỉ ghi nhận mức tăng 7,9%.
"Tôi không thể tin mọi thứ lại đắt đỏ đến vậy... Quần áo hay thức ăn đều tăng giá", Helaine Rapkin, một giáo viên 69 tuổi, chia sẻ. Bà là một trong những người đang cảm nhận áp lực phải chi tiêu thận trọng giữa lạm phát.
Người thu nhập thấp chật vật
Nghiên cứu của Pearce cho thấy người Mỹ có thu nhập thấp buộc phải cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu kể từ đại dịch. Lạm phát khiến họ phải ưu tiên chi trả cho nhà ở và thực phẩm.
Hệ quả là, đối với 20% người Mỹ có thu nhập thấp nhất (dưới 28.000 USD/năm), tỷ trọng chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu đã giảm 2,5 điểm phần trăm so với năm 2019. Xu hướng tương tự cũng diễn ra ở các nhóm thu nhập thấp và trung bình khác.
"Đây rõ ràng là một cú sốc lớn đối với các hộ gia đình, đặc biệt là những người có thu nhập thấp", Pearce nói.
Tỷ lệ người vay nợ quá hạn đã tăng lên mức cao nhất trong khoảng một thập kỷ qua, cho thấy những khó khăn mà người thu nhập thấp đang phải đối mặt.
Việc phục hồi sức mua của nhóm thu nhập thấp và trung bình vẫn là yếu tố then chốt để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững. Ảnh minh họa: The Street.
Tuy nhiên, Karen Dynan, nhà kinh tế học tại Đại học Harvard, cho rằng những xu hướng này khó ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Bà nhận định rằng chi tiêu của người tiêu dùng đang có dấu hiệu chững lại, nhưng điều này chưa đủ để tạo nên cuộc khủng hoảng kinh tế quy mô lớn.
Cả Dynan và Pearce đều lạc quan rằng người tiêu dùng sẽ tiếp tục chi tiêu trong những tháng tới khi thu nhập điều chỉnh theo lạm phát tiếp tục tăng, khôi phục sức mua của người Mỹ.
"Chúng ta có thể đã qua giai đoạn tồi tệ nhất. Triển vọng kinh tế hiện khá tích cực", Pearce nói.