Một người đàn ông bị lột trần và bỏ lại một mình trong căn hộ gần như trống rỗng khi tham gia thử thách của chương trình truyền hình thực tế.
Tomoaki Hamatsu, hay còn gọi là Nasubi, chỉ còn lại một cây bút, vài tấm thiệp trắng, một chiếc điện thoại và một chiếc giá đựng đầy tạp chí.
Nhưng anh không đến đó để đọc sách. Ý tưởng của chương trình là muốn xem liệu một người có thể tồn tại chỉ vì những giải thưởng hay không.
Để chiến thắng thử thách, tổng giá trị của những giải thưởng anh thắng phải đạt đến một con số nhất định - một triệu yên Nhật.
Anh đã không xuất hiện trong 15 tháng, dần dần rơi vào trầm cảm và hưng cảm do bị đói và bị cô lập. Gần ba thập kỷ sau, thử thách của Nasubi được tái hiện trong một bộ phim The Contestant mới được chiếu tại Liên hoan phim Tài liệu Sheffield.
"Tôi tình cờ biết được câu chuyện của ông ấy khi đang làm việc cho một dự án khác và bị cuốn vào một trong những ngõ ngách của internet," Clair Titley, đạo diễn của The Contestant nhớ lại.
"Nhưng tôi thấy rằng rất nhiều thứ tôi đọc được gần như mang tính xúc phạm. Không có gì thực sự nói chi tiết về câu chuyện của Nasubi. [Tôi có] tất cả những câu hỏi như, tại sao ông ấy ở lại đó và nó ảnh hưởng đến ông ấy như thế nào. Vì vậy, tôi đã liên lạc với ông ấy với mong muốn làm một bộ phim về trải nghiệm của ông," bà Titley nói.
Nasubi, người được chọn ngẫu nhiên trong một buổi tuyển chọn công khai, biết rằng anh đang được quay phim. Tuy nhiên, lời giải thích về việc đoạn phim sẽ được sử dụng như thế nào lại rất mơ hồ, khiến anh nghĩ rằng nó sẽ có khả năng không lên sóng.
Thực tế, chàng trai 22 tuổi này dần dần trở thành một trong những người nổi tiếng nhất đất nước khi những bản cập nhật hàng tuần về quá trình của anh trở thành một trong những phân đoạn được yêu thích nhất của chương trình giải trí Denpa Shōnen.
Giới phê bình phần lớn ghét chương trình, nhưng nó lại thu hút một lượng lớn khán giả trẻ tuổi.
Chương trình bắt đầu phát sóng trước khi bộ phim The Truman Show ra mắt - bộ phim với tài tử Jim Carrey vào vai một người đàn ông không biết rằng cuộc sống của mình đang được phát sóng như một series truyền hình.
Và phải một năm sau nữa thì chương trình Big Brother mới ra mắt ở Hà Lan, mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới của truyền hình thực tế.
Mặc dù đóng vai trò như dấu hiệu báo trước của sự bùng nổ truyền hình thực tế, phân đoạn "A Life in Prizes" của Nasubi vẫn ít phổ biến bên ngoài Nhật Bản.
"Tôi nghĩ mọi người đã nghe nhiều hơn về đoạn phim trong thập kỷ qua, kể từ khi YouTube bùng nổ," đạo diễn Titley nói với BBC News.
"Nhưng vào thời điểm đó, nó chưa bao giờ được chiếu bên ngoài Nhật Bản và Hàn Quốc, và cũng không được dự định chiếu ra ngoài khu vực đó."
Nasubi, một diễn viên hài đầy tham vọng vào thời điểm ấy, gần như không biết gì về thử thách trước khi bắt đầu.
Anh bị bỏ lại trong căn phòng không cửa sổ, không quần áo, không đồ dùng thiết yếu - thậm chí cả giấy vệ sinh - và không có bất kỳ sự liên lạc nào với thế giới bên ngoài.
Bộ phim tài liệu The Contestant mang đến những cuộc phỏng vấn mới với cả Nasubi và nhà sản xuất Tsuchiya, đạo diễn phân đoạn "A Life in Prizes".
Bộ phim tài liệu còn có sự góp mặt của những người tham gia đưa tin về chương trình, bao gồm cả một cựu phóng viên BBC từng sống tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, phần lớn câu chuyện được kể lại thông qua chính những thước phim gốc. Người xem phim tài liệu sẽ theo dõi hành trình của Nasubi giống như cách khán giả truyền hình đã theo dõi anh trong quá khứ.
Đạo diễn Titley cho biết bà và nhóm của mình đã phải "tỉ mỉ" xem xét lại tất cả các cảnh quay gốc.
"Tất cả các cảnh quay đều được phủ đầy đồ họa tiếng Nhật, có lời tường thuật, tiếng cười đệm sẵn, hiệu ứng âm thanh... đó là một hỗn hợp ồn ào của âm thanh và hình ảnh. Vì vậy, chúng tôi đã cố gắng giúp khán giả nói tiếng Anh hiểu được trải nghiệm đó như thế nào," bà giải thích.
Nhóm sản xuất đã thay thế đồ họa tiếng Nhật bằng phụ đề tiếng Anh và tái tạo âm thanh một cách chính xác nhất có thể. Một người kể chuyện nói tiếng Anh đã được thuê để dịch phần bình luận gốc.
Bộ phim tài liệu đã được công ty giải trí Hulu phát hành ở Mỹ. Các nhà phê bình bị câu chuyện thu hút nhưng cũng thấy ghê rợn trước thử thách mà Nasubi phải trải qua.
"The Contestant vừa là "một thảm họa không thể rời mắt vừa là một sự lên án sự đồng lõa của người xem," theo lời David Fear của Rolling Stone.
"Đây là biên niên sử của một hiện tượng truyền thông, một cột mốc của truyền hình thực tế và một cơn ác mộng tâm lý được đóng gói thành chương trình giải trí. Đây là kiểu phim tài liệu khiến bạn nhận thức được rằng 100% những gì mình đang chứng kiến là sự thật, nhưng bạn vẫn không thể hiểu hết những gì mình đang xem."
Nhà phê bình phim David Ehrlich của IndieWire đã mô tả cảnh quay gốc là "tàn bạo một cách cuốn hút" đến nỗi các cảnh quay mới phải vật lộn để cạnh tranh.
"Không có cuộc phỏng vấn hồi tưởng nào trong phim, dù chân thật và sâu sắc đến đâu, có thể gây cuốn hút như những đoạn video thô về thử thách của Nasubi," ông nói.
"Phim của Titley rốt cuộc thì ít tập trung bình luận về cả một phương thức truyền thông mà đi sâu nghiên cứu về một trong những nhân vật đáng chú ý nhất của phương thức đó," nhà phê bình tiếp tục.
Quay trở lại chương trình truyền hình thực tế, Nasubi đã thành công trong nhiều cuộc thi anh tham gia - nhưng những giải thưởng anh giành được không phải lúc nào cũng hữu ích.
Trong số đó có lốp xe, bóng golf, lều, quả địa cầu, một chú gấu bông và vé xem phim Spice World: The Movie.
Việc anh ngày càng yếu đi dường như không được các nhà sản xuất quan tâm nhiều. Một trong số họ nói trong phim tài liệu rằng Nasubi có thể đã chết nếu anh không giành được gạo từ một trong những giải thưởng.
Về sau, anh cũng thắng được nước ngọt có ga và thức ăn cho chó, thứ giúp anh sống sót trong vài tuần.
Khoảng 15 triệu người xem đã theo dõi những chiến thắng của anh và cách anh sử dụng chiến lợi phẩm để sinh tồn.
Nasubi ở truồng suốt thời gian tham gia chương trình vì anh đã không giành được một món đồ nào có thể mặc được (nhà sản xuất đã dùng biểu tượng quả cà tím để che đi bộ phận sinh dục của anh).
Cửa căn hộ không bị khóa và về lý thuyết Nasubi được phép rời đi bất cứ lúc nào anh muốn. Vậy tại sao ông đã không làm điều đó?
"Tôi nghĩ có rất nhiều lý do," bà Titley nói.
"Một là anh ấy rất kiên nhẫn, điều này xuất phát từ quê hương Fukushima và bố mẹ của ông ấy, những người rất nghiêm khắc.
"Anh ấy cũng là một người rất trung thành. Anh không muốn gặp rắc rối, và còn rất trẻ và ngây thơ. Anh vẫn cực kỳ tin tưởng mọi người cho đến tận bây giờ. Và anh cũng có tinh thần samurai Nhật Bản là 'Tôi sẽ chiến thắng và sẽ vượt qua điều này'," nữ đạo diễn nói tiếp.
Sự chịu đựng?
Gần ba thập kỷ sau, Nasubi mô tả chương trình là "tàn nhẫn", nói thêm rằng "không có hạnh phúc và không có tự do".
"Có lẽ chỉ có khoảng ba đến năm phút trong một tuần trong cuộc đời tôi được phát sóng. Và nó đã được chỉnh sửa để nhấn mạnh niềm vui của tôi khi tôi thắng [một giải thưởng]," anh nói với trang Deadline.
"Tất nhiên, khán giả sẽ nói, 'Ô, nhìn kìa, anh ta đang làm gì đó thú vị và tận hưởng điều đó…' Nhưng phần lớn cuộc sống của tôi là đau khổ," Nasubi chia sẻ.
Tuy nhiên, trong phim tài liệu, anh không hề tỏ ra cay đắng về trải nghiệm này. Đạo diễn Titley chia sẻ ấn tượng của bà là "bây giờ anh đang cảm thấy rất tích cực".
"Khi mọi người hỏi anh có hối hận về điều đó không, anh luôn nói rằng mặc dù không muốn trải nghiệnghiệm lại, nhưng ông sẽ không thể là con người như ngày hôm nay nếu không có trải nghiệm đó," bà Titley cho biết.
Nasubi cuối cùng được thả theo phong cách chương trình của Michael McIntyre. Anh được đưa vào một căn phòng giả mới trước khi bức tường sập xuống để lộ ra anh thực sự đang ở trên sân khấu trước đám đông khán giả đang hò reo tên mình.
Bộ phim tài liệu cũng theo chân Nasubi sau khi chương trình kết thúc, ghi lại những nỗ lực của anh trong việc sử dụng sự nổi tiếng mới có được cho những mục đích tốt đẹp - điều cuối cùng cũng mang lại cho anh cảm giác toại nguyện.
Đạo diễn Titley nói Nasubi cảm thấy đây là thời điểm thích hợp để xem lại câu chuyện của mình, đồng thời cho biết "có lẽ anh đã tìm thấy chút bình yên về những gì đã xảy ra".
Các quy tắc về đạo đức nghề nghiệp trong những năm 1990 không giống như ngày nay - và khán giả khó có thể chấp nhận một kiểu chương trình như vậy vào thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, bộ phim tài liệu đặt ra câu hỏi về việc giải trí nên có giới hạn như thế nào, và lỗi cũng đến từ sự thích thú của khán giả.
"Tôi rất muốn mọi người suy ngẫm về mối quan hệ của họ với mạng xã hội và truyền hình thực tế, và sự đồng lõa của chúng ta với tư cách là người xem và người tiêu dùng," bà Titley nhấn mạnh.