Biến B-52 thành máy bay chiến đấu tiên tiến, Mỹ đang trang bị thêm sức mạnh không quân chiến lược nhằm cạnh tranh với Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Trong tháng 6, The War Zone đưa tin Mỹ đang lên kế hoạch nâng cấp khá lớn cho máy bay ném bom B-52, loại máy bay đã được đưa vào hoạt động trong một thời gian dài. Những nâng cấp sẽ biến máy bay ném bom thời Chiến tranh Lạnh này thành máy bay chiến đấu có thời gian bay cả một thế kỷ.
Các nâng cấp của B-52 lần này dự kiến bao gồm động cơ mới, buồng lái kỹ thuật số, radar AESA, hệ thống điện tử hàng không mới, cũng như các cải tiến tác chiến điện tử và vũ khí tiên tiến. Những chiếc B-52 này sẽ được đặt tên là B-52J, và tiếp tục phục vụ cho đến những năm 2050, cùng với B-21 Raider.
Máy bay B-52.
Khi bình luận về các chi tiết cụ thể của gói nâng cấp B-52J, The War Zone đề cập rằng các động cơ mới có thể giúp tiết kiệm chi phí đáng kể, tăng thời gian bay giữa các lần xuất kích, giảm nhu cầu đại tu và mang lại nhiều lợi ích hoạt động khác nhau. Động cơ có thể được sử dụng để hoán đổi là Rolls-Royce F130.
War Zone cho biết B-52J sẽ được nâng cấp với radar AN/APG-79, mang lại tầm hoạt động, độ chính xác cao hơn, khả năng chống lại các biện pháp đối phó, nhận biết tình huống, khả năng tác chiến điện tử cũng như giám sát và theo dõi trên không.
Radar cũng sẽ cho phép B-52J theo dõi các mục tiêu đang di chuyển trên biển và trên mặt đất cũng như dẫn đường cho các vũ khí được kết nối mạng trên khoảng cách xa.
Ngoài ra, radar mới sẽ giúp xác định mục tiêu bằng hình ảnh. Thời gian di chuyển lâu và tính linh hoạt trong tải trọng của B-52J cũng sẽ kết hợp tốt với radar mới cho các nhiệm vụ giám sát và trinh sát.
Về khả năng kết nối, The War Zone bình luận B-52J sẽ có tính năng liên lạc vệ tinh nâng cao, GPS cải tiến, liên kết dữ liệu Link 16 và bộ liên lạc tiên tiến để tích hợp nối mạng trên chiến trường, cho phép nó tấn công các mục tiêu ngoài phạm vi cảm biến.
Về vũ khí, The War Zone đưa tin rằng không quân Mỹ có kế hoạch trang bị cho B-52J vũ khí siêu thanh để tấn công các mục tiêu có mức độ ưu tiên cao, nhạy cảm ở khoảng cách xa.
Các giá treo dưới cánh mới và các bệ phóng tên lửa quay bên trong có thể tăng đáng kể trọng tải vũ khí của B-52J, bao gồm bom dẫn đường chính xác, mìn hải quân, tên lửa hành trình tàng hình phóng từ trên không, máy bay không người lái và tên lửa không đối không tầm xa.
Khi giải thích về việc B-52 được sử dụng trong một thời gian dài, cây viết Jeff Schogol trong một bài báo tháng 4/2019 trên tờ The National Interest cho rằng nhiều chiếc B-52 đã trải qua sự nghiệp của mình trong Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược (SAC), mà không thực hiện nhiều nhiệm vụ.
Những trường hợp này rất có thể đã giữ được toàn vẹn khung máy bay nên tồn tại lâu hơn các dòng kế nhiệm, B-1 Lancer và B-2 Spirit.
Hơn nữa, Asia Times đưa tin vào tháng 12/2022 rằng mặc dù có máy bay ném bom siêu thanh B-1 nhằm thay thế một phần B-52 nhưng các vấn đề về bảo trì đã hạn chế khả năng của nó, dẫn đến việc nó phải nghỉ hưu sớm, dự kiến vào năm 2036.
Máy bay ném bom tàng hình B-2 trong khi đó được thiết kế để tránh bị phòng không Liên Xô phát hiện khi hoạt động ở tốc độ cận âm thấp. Tuy nhiên, do lo ngại về chi phí, Mỹ đã giới hạn sản xuất B-2 ở chỉ 21 máy bay và tạm dừng sản xuất vào năm 2020, trái ngược hoàn toàn với 76 chiếc B-52H thế hệ hiện tại. Việc khởi động lại hoạt động sản xuất B-2 được coi là quá tốn kém, ở mức 2 tỷ USD/máy bay.
Nay, chương trình B-52J cũng có thể gặp phải những tình trạng chậm trễ tương tự. Các báo cáo cho biết sự chậm trễ bắt nguồn từ thiếu hụt kinh phí. Theo đó chương trình sẽ không đưa ra các đánh giá thiết kế quan trọng và trao hợp đồng cho đơn vị sản xuất cho đến tháng 8/2025.
Sự chậm trễ cũng do chương trình hiện đại hóa radar B-52 đã tăng chi phí 12,6% so với ước tính năm 2021, với tổng chi phí hiện nay là 2,58 tỷ USD.
Bất chấp những trở ngại đó, tên lửa tầm xa AGM-181, nhằm thay thế AGM-86B ALCM trên B-52 có thể đi vào hoạt động ban đầu vào năm 2030.
Trong khi đó, các bình luận cho rằng, năng lực phòng không ngày càng tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc có thể thách thức những chiếc B-52J nâng cấp.
Vào tháng 10/2023, một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã áp sát máy bay ném bom B-52 của Mỹ trên Biển Đông thực hiện động tác mạo hiểm được cho là suýt gây ra một vụ va chạm.
Để tránh bị bỏ lại phía sau trong quá trình hiện đại hóa máy bay ném bom, Trung Quốc sẵn sàng trình làng máy bay ném bom tàng hình H-20, đối thủ của B-2 và B-21 của Mỹ, tờ South China Morning Post đưa tin.
Tuy nhiên, tờ báo lưu ý rằng H-20 vẫn được giữ bí mật và chưa có ngày ra mắt bất chấp những tin đồn.
Theo SCMP, H-20 dự kiến sẽ có cấu trúc cánh bay, lớp phủ khó phát hiện và khả năng vận chuyển cả vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân trên khoảng cách ít nhất 8.500 km. H-20 cũng được cho là sẽ góp phần tạo thành bộ ba hạt nhân trên không của Trung Quốc.
H-20 nhằm mục đích thay thế máy bay ném bom chiến lược H-6 đã lỗi thời. Tuy nhiên máy bay này đang phải cạnh tranh với không chỉ máy bay của Mỹ như B-2 tàng hình và B-52 đã hoạt động lâu năm, mà còn có các mẫu máy bay hiện đại của Nga như máy bay siêu thanh Tu-160.