Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, việc BRICS mở rộng cho thấy sự hình thành một trật tự thế giới đa cực mới.Hội nghị Ngoại trưởng BRICS diễn ra từ ngày 10-11/6 tại Nizhny Novgorod, Liên bang Nga dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng nước chủ nhà Sergei Lavrov.
Đây là cuộc họp đầu tiên của Ngoại trưởng các nước thành viên Nhóm các nền kinh tế mới nổi lớn (BRICS) sau khi mở rộng với sự tham gia của đại diện hơn 20 quốc gia từ Trung Đông, châu Á và châu Phi, thể hiện mục tiêu bao trùm và đại diện cho các nước đang phát triển của BRICS.
Vị thế mới, cơ hội mới
Tại lễ khai mạc ngày 10/6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, việc BRICS mở rộng cho thấy sự hình thành một trật tự thế giới đa cực mới. Cùng với bốn thành viên sáng lập gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi gia nhập năm 2010, việc năm nước Ai Cập, Iran, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia và Ethiopia trở thành thành viên chính thức đầu năm nay nâng tổng số nước thành viên BRICS lên con số 10.
Hiện nay, BRICS có dân số khoảng 3,6 tỷ người, chiếm một nửa dân số toàn cầu, kiểm soát 45% lượng dầu và 36% sản lượng khí đốt tự nhiên, 72,5% trữ lượng khoáng sản đất hiếm toàn cầu và gần 25% lượng xuất hàng hóa thế giới. Năm 2023, tính cả năm thành viên mới gia nhập, tỷ trọng nền kinh tế của BRICS đã tăng từ 31% lên 35% GDP thế giới, vượt tỷ trọng của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7). Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) dự báo đóng góp của các nước BRICS vào tăng trưởng toàn cầu ngày càng tăng và khoảng cách tỷ trọng nền kinh tế giữa BRICS và G7 được nới rộng trong những năm tới.
Với tư cách chủ tịch đương nhiệm của BRICS, Nga tuyên bố tập trung nỗ lực “vào thúc đẩy toàn bộ phạm vi hợp tác đối tác trong khuôn khổ BRICS trên ba lĩnh vực chính – chính trị và an ninh, kinh tế và tài chính, quan hệ văn hóa và nhân dân” phù hợp phương châm chung “tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu một cách công bằng”.
Mục tiêu xuyên suốt
Ngày 10/6, Ngoại trưởng Sergei Lavrov chủ trì phiên họp đầu tiên với sự tham gia của bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên BRICS. Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh mục tiêu tăng cường vai trò của các nước thành viên BRICS trong hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế, phát triển hợp tác liên ngân hàng, thúc đẩy chuyển đổi hệ thống thanh toán quốc tế và mở rộng việc sử dụng đồng nội tệ của các nước thành viên BRICS. Hiện nay, tỷ trọng đồng USD trong thanh toán giữa các nước BRICS chỉ chiếm 28,8%, phần còn lại là thanh toán bằng đồng nội tệ.
Ngoại trưởng Brazil Mauro Vieira ủng hộ việc sử dụng các đồng tiền quốc gia trong thương mại nhưng tránh đối đầu trực tiếp với Mỹ và châu Âu. Ông Vieira khẳng định đây sẽ là vấn đề nằm trong chương trình nghị sự của BRICS năm 2025, khi Brazil đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của nhóm.
Các Ngoại trưởng bày tỏ ủng hộ Nga hoàn thành cương vị chủ tịch luân phiên năm 2024 và ra tuyên bố chung, tái khẳng định cam kết tăng cường khuôn khổ đối tác chiến lược BRICS trong ba lĩnh vực hợp tác chủ chốt gồm chính trị và an ninh, kinh tế và tài chính, giao lưu văn hóa và nhân dân; đảm bảo sự tham gia lớn hơn của các nước đang phát triển và kém phát triển, đặc biệt là ở châu Phi; tăng cường tính đại diện của các nước đang phát triển trong các thể chế quản trị và tài chính toàn cầu.
Các Ngoại trưởng BRICS tái khẳng định cam kết với tinh thần tôn trọng, bình đẳng, đoàn kết, đồng thuận và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hội tụ các phương pháp tiếp cận nhằm phát triển hành lang vận tải quốc tế hiệu quả, an toàn cho sự tăng trưởng kinh tế của Nhóm.Bên cạnh đó, các Ngoại trưởng BRICS bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình xung đột đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, nhắc lại cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua ngoại giao, đối thoại và tham vấn toàn diện.
Cuộc họp mở rộng
Cuộc họp mở rộng diễn ra ngày 11/6 có sự tham gia của Ngoại trưởng 10 nước thành viên BRICS và đại diện 12 nước khách mời cho các hình thức tương tác khu vực như SCO, ASEAN, Hiệp hội hợp tác khu vực các quốc gia ven biển Ấn Độ Dương, Liên minh châu Phi, Liên đoàn các quốc gia Arab. Việt Nam, Lào và Thái Lan là ba đại diện ASEAN tham dự tại cuộc họp mở rộng.
Các cuộc họp thảo luận về các vấn đề địa chính trị hiện tại và cải thiện hệ thống quản trị toàn cầu với trọng tâm tập trung tăng cường vai trò của các nước đang phát triển. Kết quả cuộc họp mở rộng được đưa vào Hội nghị thượng đỉnh BRICS sắp tới.
Bên lề sự kiện chính kéo dài trong hai ngày 10 và 11/6, quan chức các nước cũng tham dự một số cuộc gặp song phương.
Trong năm Chủ tịch BRICS 2024, Nga tổ chức khoảng 250 sự kiện. Trong đó, sự kiện “đinh” chính là Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 dự kiến diễn ra ở Kazan từ ngày 22-24/10, với sự tham gia của lãnh đạo 10 quốc gia thành viên BRICS.
|
|