Thủ tướng Sunak nói Anh sẽ yêu cầu tất cả thanh niên trên 18 tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự hoặc dân sự nếu đảng Bảo thủ thắng cử.
Đảng Bảo thủ cầm quyền của Anh hôm nay cho biết Thủ tướng Rishi Sunak cam kết tái triển khai chương trình nghĩa vụ quốc gia lần đầu tiên sau hơn 60 năm, nếu đảng này chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 4/7.
Theo kế hoạch, khoảng 30.000 trong số 700.000 thanh niên Anh trên 18 tuổi sẽ phải tham gia nghĩa vụ quân sự trong 12 tháng, làm việc trong các lĩnh vực hậu cần hoặc an ninh mạng. Những người còn lại sẽ dành một ngày cuối tuần mỗi tháng để làm việc cho các tổ chức từ thiện, nhóm cộng đồng, bệnh viện, cảnh sát hoặc lực lượng cứu hỏa.
"Chương trình này sẽ giúp giới trẻ sống mục tiêu và cảm giác tự hào về đất nước của chúng ta", Thủ tướng Sunak nói.
Anh từng áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự với nam giới và một số phụ nữ trong Thế chiến II, đồng thời áp đặt 18 tháng nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nam giới giai đoạn 1947-1960. Kể từ sau đó, Anh duy trì lực lượng hoàn toàn tình nguyện với quy mô ngày càng giảm.
Hiện chưa rõ kế hoạch sẽ được thực hiện như thế nào. Bộ trưởng Nội vụ James Cleverly cho biết sẽ không ai bị ép buộc phục vụ trong quân đội. Ông nói kế hoạch mới không nhằm tăng cường sức mạnh quân đội mà là xây dựng xã hội nơi mọi người "sống hòa nhập hơn", bất kể họ đến từ đâu, có tôn giáo và thu nhập như thế nào.
Đảng Bảo thủ ước tính chi phí cho kế hoạch vào khoảng 3,2 tỷ USD mỗi năm. 1,9 tỷ USD trong số này sẽ được trích từ Quỹ thịnh vượng chung của Vương quốc Anh, được thành lập năm 2022 để cải thiện cuộc sống cho những cộng đồng nghèo.
Cựu bộ trưởng nội vụ thuộc đảng Lao động Alan Johnson cho biết kế hoạch của đảng Bảo thủ là "tình nguyện bắt buộc" và dự đoán "điều đó sẽ không giờ xảy ra".
|