Hart, 26 tuổi, chi 100 USD cho một chiếc quần legging, 50 USD cho một chiếc cốc giữ nhiệt để thỏa mãn nhu cầu thời trang và quyết tâm uống nhiều nước hơn.
Cô giống như phần đông người Mỹ, đang mua sắm điên cuồng dù biết giá cả đắt đỏ một cách phi lý. "Tôi thấy mọi thứ đắt đỏ hơn một cách đáng ghét, nhưng mong muốn được dùng những thứ tốt đẹp vẫn chưa biến mất", nữ nhà văn ở Illinois nói.
Theo thống kê, từ năm 2019-2022, tài sản trung bình của hộ gia đình Mỹ sau khi điều chỉnh theo lạm phát tăng 37%. Nhưng tiền tiết kiệm của người dân lại giảm do tác động của các biện pháp kích thích kinh tế và thiếu lựa chọn chi tiêu trong đại dịch. Các khoản nợ quá hạn và khoản vay mua ôtô cũng gia tăng.
Có nhiều yếu tố tinh thần và cảm xúc ảnh hưởng đến việc người Mỹ sẵn lòng tiêu tiền dù giá cả tăng cao. Trong văn hóa Mỹ, chủ nghĩa tiêu dùng là thứ ma túy khủng khiếp.
Claire Tassin, nhà phân tích bán lẻ và thương mại điện tử tại Morning Consult, cho rằng cú sốc lạm phát qua đi dẫn đến làn sóng chi tiêu trả thù.
Ngoài ra, quan niệm "Bạn chỉ sống một lần" (YOLO) đang có trong suy nghĩ của rất nhiều người tiêu dùng. Họ mua vé xem Taylor Swift và các chuyến du lịch mùa hè tới châu Âu vì nghĩ mình xứng đang được hưởng thụ sau khi vượt qua đại dịch.
Hành vi tiêu dùng phô trương, chẳng hạn như mua hàng hóa và dịch vụ để thể hiện đẳng cấp, đang gia tăng trở lại. Trong khi người tiêu dùng có thu nhập thấp đang chuyển từ các sản phẩm có thương hiệu đắt tiền sang các sản phẩm thay thế rẻ hơn nhằm nỗ lực tiết kiệm tiền, thì một số người tiêu dùng trẻ và có thu nhập cao hơn lại đang chuyển sang mua sản phẩm đắt tiền hơn, dù khó chịu với mức giá đó.
"Họ muốn có địa vị xã hội cao hơn, gây ấn tượng với người khác và trở thành một phần của đám đông nổi tiếng", Tassin nói.
Sự khác biệt giữa thái độ với giá cả và hành vi thực tế không phải điều kỳ lạ. Ý định và cảm xúc thường không khớp với hành động.
Ravi Dhar, giáo sư quản lý và tiếp thị đồng thời là giám đốc trung tâm nghiên cứu khách hàng tại trường Quản trị kinh doanh Yale, cho biết có sự tách biệt giữa hoàn cảnh hiện tại và cách chúng ta cảm nhận về tương lai.
Chúng ta nhìn thấy dòng tin về người bị sa thải hoặc xung đột toàn cầu nên bi quan hơn về nền kinh tế và lo lắng về chi phí. Nhưng khi nói đến việc thực sự trả tiền, chúng ta thấy mình có việc làm, thậm chí có thể được tăng lương nên vẫn chi tiêu.
"Chi tiêu được quyết định bởi hiện tại, trong khi cảm giác lo lắng ở tương lai. Những dự đoán đã trở nên bi quan hơn nhưng hành vi thì không", Dhar nói.
Tất nhiên, có một số mặt hàng nằm trong danh mục cần thiết như nhà ở, thức ăn, xăng xe, chăm sóc trẻ nhỏ và chăm sóc sức khỏe. Người tiêu dùng cảm thấy thất vọng một cách dễ hiểu với chi phí của những thứ thế này.
Chúng ta không thích mất mát nên việc phải thay đổi lối sống để phù hợp với những hạn chế tài chính mang đến cảm giác thua cuộc. Chiếc váy trong tủ cũng có thể mặc đi dự bữa tiệc đó, nhưng mua một chiếc mới sẽ vui và thú vị hơn, ngay cả khi mức giá đi kèm gây khó chịu.
|