Đi toilet bị chuột cắn, một người phải nhập viện vì suy đa cơ quan. Trong một trường hợp y tế mới bất thường, một người đàn ông ở Canada đã phải nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng do vi khuẩn sau khi bị một con chuột ẩn nấp trong nhà vệ sinh cắn, mặc dù phương thức lây truyền này không phổ biến.
Người đàn ông 76 tuổi này đã đến khoa cấp cứu tại một bệnh viện ở Montréal, Quebec sau khi gặp một con chuột trong bồn cầu. Ông cố gắng đuổi nó đi thì bị nó cắn vào hai ngón tay. Tại khoa cấp cứu, các bác sĩ đã chăm sóc vết thương cơ bản cho ông cũng như tiêm thuốc uốn ván.
Tuy nhiên, khoảng 18 ngày sau, người đàn ông này phải quay lại bệnh viện trong tình trạng sốt, đau đầu và đau bụng trong vài ngày. Lúc này, mặc dù vết thương ở ngón tay gần như đã lành nhưng huyết áp của người này đã xuống thấp và tim đập rất nhanh.
Xét nghiệm máu ban đầu cho thấy thận của bệnh nhân bị tổn thương và máu của ông có số lượng tiểu cầu thấp - những mảnh tế bào hình thành cục máu đông để ngăn chặn hoặc cầm máu. Các bác sĩ đã đưa ông vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) khi ông có dấu hiệu rối loạn chức năng đa cơ quan và nhiễm trùng huyết, một hiện tượng nguy hiểm trong đó nhiễm trùng khiến hệ miễn dịch hoạt động quá mức.
Để tìm ra nguyên nhân căn bệnh của người đàn ông, các bác sĩ đã lấy và phân tích mẫu máu và nước tiểu. Những xét nghiệm này tiết lộ, người đàn ông này đã mắc một căn bệnh truyền nhiễm có tên là bệnh leptospirosis, theo một báo cáo về vụ việc được công bố vào tháng 1 trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Canada.
Bệnh Leptospirosis, còn gọi là bệnh Weil, do vi khuẩn thuộc chi Leptospira gây ra. Trên toàn cầu, đây là bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất do vi trùng lây truyền giữa động vật và con người. Mỗi năm, hơn 1 triệu trường hợp mắc bệnh leptospirosis được báo cáo trên toàn thế giới, dẫn đến gần 60.000 ca tử vong. Khoảng 100 đến 150 trường hợp xảy ra ở Mỹ hàng năm.
Vi khuẩn Leptospira xâm nhập vào cơ thể qua da bị trầy xước
Những người mắc bệnh leptospirosis thường xuất hiện các triệu chứng nhẹ như sốt, nhức đầu và đau cơ trong khoảng 5 đến 14 ngày sau khi bị nhiễm bệnh. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, ho và đôi khi phát ban trên da. Các triệu chứng của nhiễm trùng thường có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác, chẳng hạn như cúm và sốt xuất huyết.
Khoảng 10% trường hợp trở nên nghiêm trọng và có thể dẫn đến rối loạn chức năng đa cơ quan và tử vong.
Sau khi điều trị bằng kháng sinh, hầu hết mọi người sẽ hồi phục sau vài ngày hoặc vài tuần và việc điều trị kịp thời có thể làm giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tỷ lệ tử vong ở những người mắc bệnh nặng là khoảng 5% đến 15%, nhưng đối với một nhóm nhỏ bị xuất huyết nặng ở phổi, tỷ lệ đó tăng lên 50%.
Người đàn ông trong trường hợp gần đây đã được cho dùng thuốc kháng sinh cũng như các phương pháp điều trị khác để giải quyết tổn thương thận và mức tiểu cầu thấp. Sau một vài ngày, các triệu chứng của ông được cải thiện và được xuất viện.
Vi khuẩn Leptospira hình xoắn ốc thường lây nhiễm sang người khi một người tiếp xúc với nước tiểu của động vật bị nhiễm bệnh hoặc với đất hoặc nước bị ô nhiễm. Thông thường, bệnh lây truyền qua động vật trang trại, chẳng hạn như gia súc, lợn hoặc ngựa, nhưng nó cũng có thể lây lan bởi động vật hoang dã như gấu mèo và cả vật nuôi như chó. Động vật bị nhiễm bệnh có thể không có triệu chứng bệnh.
Vi khuẩn Leptospira xâm nhập vào cơ thể qua da bị trầy xước - chẳng hạn như do vết cắt hoặc vết xước - hoặc qua mắt, mũi và miệng. Nguy cơ bùng phát dịch bệnh càng trở nên trầm trọng hơn do bão hoặc lũ lụt, có thể khiến người dân phải tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm. Uống nước bị ô nhiễm cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng. Sự lây truyền từ người sang người rất hiếm nhưng có thể xảy ra.
Vì vậy, có thể miệng của con chuột vừa bị nhiễm tạm thời nước tiểu có chứa Leptospira, sau đó xâm nhập vào cơ thể người đàn ông qua vết thương do loài gặm nhấm gây ra.
|