Vừa lọt lòng mẹ đã ngã vào bếp lửa, bỏng 80%, khắp người chi chít sẹo nên Thu Đào không dám tin đời mình sẽ có người tình yêu cho đến khi Michael ngỏ lời cầu hôn.
Cũng từ lời cầu hôn ấy mà mỗi năm Nguyễn Thị Thu Đào đều cố gắng về Việt Nam một lần làm thiện nguyện để cảm ơn đời. Hơn 18 năm trước, cô đã được gặp Michael French, anh chàng bác sĩ người Mỹ sang Việt Nam làm từ thiện.
Thu Đào và chồng trong lễ cưới của con trai anh ở Mỹ, tháng 7/2023. Ảnh nhân vật cung cấp
Đào sinh vào ngày cuối đông 1983 ở huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Mùa đông rét mướt nên mẹ cô để con nằm võng, bên dưới đặt chậu lửa than sưởi ấm. Một ngày chiếc võng vô tình lật úp, đứa con gái 28 ngày tuổi ngã nhào vào chậu lửa, bỏng 80%.
Cô giữ được mạng sống nhưng da thịt bị cháy biến dạng, bàn tay trái rụng hết các ngón. Đến tuổi đi học, Đào mới thấy mình khác biệt với vết sẹo lồi vắt ngang cằm và cánh tay trái teo tóp, cụt lủn. Không ít lần, Đào bị bạn bè trêu chọc phải chạy về nhà khóc. Nhiều lần cô xin mẹ cho mình nghỉ học.
"Tôi từng ước mình không tồn tại", Đào nói. "Tôi sợ cảm giác người khác nhìn vào gương mặt mình nên gặp người lạ luôn rụt người, lấy tay che miệng".
Cô bé Đào lầm lũi đi học đến hết cấp 3 rồi rẽ sang học nghề may nhưng cảm giác tủi thân luôn đeo đuổi khi người ta nói "què cụt ai mà mướn".
Gia đình Đào có 5 anh em, bố mẹ làm nông quanh năm chật vật mưu sinh và luôn dằn vặt bởi tai nạn thơ bé của cô. Họ chỉ biết giúp con bằng cách đón đợi những đoàn phẫu thuật từ thiện.
Năm 2005, Đào khăn gói đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định bởi có đoàn bác sĩ phẫu thuật thiện nguyện cho người dị tật và hở hàm ếch. Trong đó có Michael, một bác sĩ ở California, Mỹ.
Ca phẫu thuật của cô chỉ kéo dài một ngày nhưng Đào xin ở lại làm tình nguyện hai tuần bởi biết ít tiếng Anh. Một buổi sáng tháng 6, Michael thu hút bởi hình ảnh cô gái bé nhỏ, cụt một tay nhưng tất bật thay tã, đút thức ăn cho những đứa trẻ hậu phẫu. Đào nở nụ cười, họ bắt đầu trò chuyện như những người bạn.
"Tôi bị rung động trước trái tim nhân hậu ấy", Michael nói.
Gia đình Thu Đào và Michael French ở nhà một người bạn, bang California, Mỹ, tháng 6/2023. Ảnh nhân vật cung cấp
Sau khi trở về nước, anh vẫn thư từ cho cô gái Việt Nam để hỏi thăm sức khỏe và công việc. Đào cũng chỉ xem anh như ân nhân và không cho phép mình nghĩ nhiều hơn.
5 năm sau, Michael đến TP HCM, nơi Đào đang làm việc cho một công ty du lịch. Họ hẹn nhau đi bộ quanh quận 1, ngang qua một cửa hàng vải, Michael mua tặng Đào một chiếc áo dài Việt Nam. Cô thấy tim mình đập nhanh khi người đàn ông Mỹ xuýt xoa khen đẹp.
Anh xin phép được nắm tay trái cụt lủn của Đào khi họ tản bộ trên vỉa hè. Khi đến quán bar, anh kéo Đào ra nhảy một bài yêu thích. Dưới ánh đèn vàng, trong tiếng nhạc du dương, lần đầu tiên trong đời Đào tin rằng mình là người phụ nữ đẹp.
Một buổi tối tháng 6/2015, Michael ngỏ lời "Lấy anh nhé" khiến cô gái Việt bất ngờ, ngỡ mình đang mơ. "Tôi vừa hạnh phúc, vừa lo sợ không biết người ta có thật lòng với mình không", Đào nhớ lại.
Niềm tin của cô được củng cố bằng chuyến thăm của Michael về quê nhà Bình Định. Trước mặt mọi người trong gia đình, Đào là người phiên dịch, chàng trai Mỹ thưa chuyện hỏi cưới cô theo phong tục Việt Nam.
Mùa đông cùng năm, mẹ Đào bịn rịn tiễn con gái sang Mỹ theo chồng. Nhưng cuộc sống ở Mỹ vốn không dễ dàng với Đào. Những năm đầu hôn nhân, cô và Michael nhiều lần cãi nhau vì hờn ghen. Cô gái quê Bình Định cảm thấy sốc trước sự cởi mở, dễ dàng ôm người khác giới của người Mỹ.
Michael thường nhẫn nại im lặng đợi vợ trút hết cảm xúc mới giải thích. Họ dần cởi bỏ những hiểu lầm. Mỗi tối, anh giúp cô làm quen ngôn ngữ và đăng ký khóa học kế toán. Ở trường, giáo viên thấy cô gái cụt tay tự lái xe đến trường, họ thương mến và giúp đỡ Đào. Cô tốt nghiệp và làm việc cho phòng khám nha khoa của Michael.
Gia đình Thu Đào trong buổi họp lớp của Michael French, Mỹ, tháng 6/2023. Ảnh nhân vật cung cấp
Năm đầu sang Mỹ, Michael dẫn cô đi gặp hai người con riêng của anh với vợ cũ. Chúng tôn trọng Đào nhưng chẳng vui bởi bố tái hôn. Cô buồn nhưng không phản ứng.
Vài tháng một lần, khi hai con về thăm bố, cô luôn chuẩn bị sẵn thức ăn và giấu chồng cho tiền bởi biết chúng gặp khó khăn. Điều này khác với văn hóa của người Mỹ con cái phải tự lập sau 18 tuổi.
"Tôi thương chồng nên thương con theo cách của một người mẹ Việt", Đào nói. Các con dần coi Đào như mẹ, chúng đã bắt đầu hiểu được vì sao bố lại yêu một người phụ nữ bé nhỏ nặng 39 kg với bên tay cụt.
Michael và Đào bận rộn hơn từ khi lần lượt ba đứa con chung chào đời. Michael luôn dạy con rằng, mẹ là người phụ nữ xinh đẹp và lạc quan. Chúng thường ôm lấy Đào và hôn lên những vết sẹo chằng chịt trên cánh tay cô. Mỗi lần như thế, cô cảm thấy mình đã thật sự để lại những mặc cảm, tủi thân nằm lại trong quá khứ.
Chiều tháng 11, trong ngày Lễ Tạ ơn Đào loay hoay trong bếp chuẩn bị món gà tây. Cạnh đó, Michael phụ vợ rửa bát và chuẩn bị rượu vang. Cô phát hiện mình quên mua một loại nguyên liệu nên phải đi siêu thị lần nữa. Michael khoác áo ấm cho vợ rồi cùng bước ra phố. Như mọi lần, anh nắm lấy cánh tay bé xíu của Đào giữa phố như 13 năm trước.
"Tình yêu làm tôi cảm thấy mình sống như người lành lặn", Đào nói.
VietBF©sưu tập