Rau xanh là thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, có những loại rau dễ bị tồn dư thuốc trừ sâu nếu người gieo trồng không tuân thủ các quy định về an toàn.
Rau vốn là một nguồn thực phẩm quan trọng đối với chế độ ăn uống của mỗi người. Tuy nhiên hiện nay, vấn đề
"rau bẩn" với liều lượng thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất còn tồn dư trong rau củ có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Theo ý kiến của các chuyên gia về dinh dưỡng, các chất độc hại, hóa chất tồn dư đang âm thầm phá hủy cơ thể con người. Cơ thể chúng ta sẽ có phản ứng khi ăn phải những chất độc hại với các triệu chứng như thấy bồn chồn, đau bụng, chóng mặt, nhức đầu, nôn ói hay tiêu chảy. Trường hợp ngộ độc mãn tính do thuốc trừ sâu, hóa chất tích tụ lâu dài có thể phá hủy gene, làm cho quá trình nhân đôi gene bị sai lệch và là nguyên nhân khởi đầu phát sinh ra căn bệnh ung thư.
Dưới đây là những loại rau có dư lượng thuốc trừ sâu nhiều nhất mà mọi người cần lưu ý:
Rau muống
Rau muống là loại rau được gieo trồng theo mùa nhưng với kỹ thuật trồng trọt hiện nay chúng ta có thể ăn rau muống gần như quanh năm. Loại rau này quen thuộc với người Việt nhưng không phải ai cũng biết rằng, rau muống sinh trưởng tốt trong bùn đất, một khi được phun, thuốc trừ sâu sẽ ngấm rất lâu trong nước, tích tụ dư lượng hóa chất từ lá đến rễ.
Rau cần
Rau cần có 2 loại, một loại là cần cạn trồng ở ruộng, một loại là cần nước được trồng ở các ao nông.
Loại rau cần trồng dưới nước thường chứa nhiều giun sán hơn loại cần trồng trên cạn. Do vậy, hóa chất có trên các loại rau cần thường là loại hóa chất trừ sâu bọ. Rau cần nếu phun thuốc để một ngày không nhúng nước, rau sẽ khô héo, thân tóp lại. Nếu bị phun quá nhiều thuốc trừ sâu và phân bón, thân rau sẽ to, ngó trắng phau bất thường.
Dưa chuột
Để bảo vệ dưa chuột khỏi các loại côn trùng gây hại, người trồng thường sử dụng các loại thuốc hóa học có mùi khó chịu. Đặc biệt nhiều người vì lợi nhuận còn sử dụng cả chất kích thích nhằm rút ngắn chu kỳ sinh trưởng của dưa chuột, cho ra củ quả to, đẹp hơn.
Súp lơ
Dù là súp lơ trắng hay súp lơ xanh, do cấu tạo đặc biệt của chúng nên vẫn dễ dàng giữ lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trứng côn trùng và côn trùng trốn trong các kẽ hở. Càng gần lúc thu hoạch, người trồng càng thường xuyên sử dụng thuốc trừ sâu nhiều để bảo vệ cho bông cải.
Theo một số cuộc nghiên cứu, việc rửa bằng nước sạch nhiều lần hay thậm chí là bằng nước muối loãng có tính sát khuẩn cao cũng không đủ để loại bỏ ra hết thuốc trừ sâu còn tồn dư trong súp lơ.
Bắp cải
Bắp cải là loại rau được rất phổ biến vào mùa đông vì chịu được thời tiết lạnh. Khi ăn bắp cải, nhiều người sẽ bóc lớp lá ngoài cùng và cắt ăn phần bên trong. Nhưng bạn có biết rằng,
bắp cải thường được phun 2 loại thuốc trừ sâu trong quá trình sinh trưởng, một loại phun vào rễ và một loại phun lên lá, đồng thời còn tưới phân, tưới đạm, kích thích tăng trưởng. Nên dù nó cuộn lại như vậy, bạn cũng cần gỡ ra từng lá và ngâm rửa cho sạch trước khi ăn.
Cà chua
Tháng 10,11 là rộ mùa cà chua nhất nhưng đây là loại quả dễ bị nhiễm độc vì để cho trái cà chua chín đều, đẹp mã thì người trồng hay sử dụng các loại thuốc
"ủ chín" hoa quả. Chính vì vậy bạn nên lựa chọn những trái cà chua xanh và chờ chín dần để sử dụng cho gia đình thì sẽ an toàn hơn.
Theo các chuyên gia, để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm, khi lựa chọn rau củ ngoài chợ về sử dụng chúng ta cần tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
- Nên mua ở những nơi bán có thương hiệu, uy tín và an toàn, những nơi rau củ có nguồn gốc, có nhãn hiệu để chúng ta có thể truy xuất được, bảo đảm chất lượng.
- Lựa những rau củ đảm bảo chất lượng. Về hình dáng bên ngoài rau củ phải còn nguyên vẹn, không trầy xước, dập nát. Màu sắc phải tự nhiên, không bắt mắt một cách bất thường, không héo úa quá. Khi cầm rau củ phải cảm thấy nặng tay, giòn, chắc.
- Trên bề mặt rau củ không dính những chất lạ như màu trắng, nếu có thì chúng ta có thể nghi ngờ rằng thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn tồn dư. Rau củ cũng không có mùi lạ nếu không phải là mùi đặc trưng của thực phẩm.
- Ngoài ra, người tiêu dùng sau khi mua rau từ siêu thị hoặc chợ cần sơ chế kỹ, rửa rau với nước sạch nhiều lần (tốt nhất rửa từng lá dưới vòi nước đang chảy) kèm ngâm rau với muối, nước cốt chanh, giấm táo pha loãng... giúp loại bỏ khá nhiều hóa chất còn bám trên bề mặt thực phẩm.
Khi có biểu hiện ngộ độc do hóa chất bảo vệ thực vật, hoặc có các triệu chứng nghi ngờ nên đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để có thể được chẩn đoán, điều trị và làm các xét nghiệm y tế kịp thời.