2 bài học dưới đây của Lão Tử sẽ mãi là kim chỉ nam cho hậu thế và nó có thể thay đổi cuộc đời nếu như ai có thể lĩnh hội được nó.
Là người sáng lập ra Đạo gia, Lão Tử có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của triết học Trung Quốc. Cốt lõi trong tư duy của ông là phép biện chứng đơn giản, lưu lại trong Đạo Đức Kinh.
Ảnh minh họa
Trong cuốn này, Lão Tử dùng từ "đạo" để giải thích về sự phát triển biến hoá của vạn vật trong vũ trụ. Những triết lý về cuộc sống của ông trong cuốn sách khiến người đời và hậu thế phải nghiêng mình khâm phục. Trong đó, có 2 triết lý từ đặc tính của nước có thể dạy cho chúng ta những bài học đắt giá, nếu ai lĩnh hội được thì sống an nhiên cả một đời:
1. Cứng cỏi thì chết, mềm mại thì sống
Trong cuốn “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử đã viết: “Kiên cường giả tử chi đồ, nhu nhược giả sinh chi đồ… Kiên cường xử hạ, nhu nhược xử thượng”, ý tứ chỉ cứng cỏi thì chết, mềm mại mới sống, cứng cỏi thì kém, mềm mại vẫn hơn.
Lão Tử cũng viết: “Thiên hạ mạc nhu nhược vu thủy, nhi công kiên cường giả mạc chi năng thắng: kỳ vô dĩ dịch chi. Nhược chi thắng cường, nhu chi thắng cương. Thiên hạ mạc bất tri, mạc năng hành”. Ý nói trong thiên hạ không gì mềm yếu hơn nước, thế mà nước lại công phá được tất cả những gì cứng rắn. Nước tưởng chừng như yếu đuối và hèn mọn, nhưng nhờ sức mạnh của dòng chảy, nước có thể xuyên qua núi đá, phá hủy nhà cửa, không có sức mạnh nào có thể ngăn chặn hay đánh bại nước. Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh, thiên hạ ai cũng biết thế, nhưng chẳng có ai làm được.
Dịu dàng như dòng nước, êm mát nhún nhường, nước có vẻ mềm yếu hơn tất cả nhưng lại mạnh hơn tất cả. Bởi vì không phải đá hay lửa thắng được nước mà là nước chảy đá mòn. Con người chỉ có khiêm nhường mới có thể bao dung và tồn tại được lâu dài, giống như nước vậy.
Khi chúng ta tư duy như nước, chúng ta có thể học cách cư xử từ tốn hơn, giảm thiểu những gì còn thô cứng và kiềm chế thái độ của bản thân cũng như của người khác. Khi sắp nổi giận, chúng ta hãy nghĩ về cảm giác thư thái và dễ chịu dưới dòng nước mát lạnh, có thể chúng ta sẽ ngăn được một cuộc xung đột, cãi vã không đáng có.
Hiểu về nước không chỉ giúp ta có thái độ ứng xử tốt hơn, thay đổi tâm tính hoặc trở thành người thầy dẫn lối cho ta trong cuộc sống mà nước còn là ma trận chung của mọi sự sinh trưởng. Mọi thứ trong tự nhiên đều được vẽ nên bằng chiếc cọ vô hình của nước, tạo thành một thế giới không hoàn hảo nhưng vô cùng đa dạng và thông minh. Hiểu được bài học trên đây, cuộc sống của bạn chắc chắn sẽ tốt đẹp và sâu sắc hơn rất nhiều.
2. Bao dung và thiện lành như nước
Theo quan điểm triết học phương Đông, tất cả sự sống nguyên thủy trên trái đất đều được sinh ra từ nước. Cho nên người ta nói: Nước là nguồn gốc của sự sống. Lão Tử dạy rằng, đức hạnh và lòng tốt của con người hãy giống như nước, bởi nước có khả năng nuôi dưỡng vạn vật mà không tranh giành, làm lợi cho tất cả thiên hạ mà không tranh công đoạt lợi, gặp chỗ thiếu thì chảy vào, thấy thừa thì chảy ra, trên đời làm mưa, dưới đất thành sông lạch: “Thượng thiện nhược thủy. Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh”.
Nước thuận theo dòng chảy. Nước không có hình dạng vĩnh viễn. Đạo cũng vậy, Đạo không cạnh tranh với vạn vật. Với bài học này, Lão Tử dành nhiều ngôn từ để ca ngợi sức mạnh của tính nhu - mềm, của “vô vi”.
Con người cũng nên sống tự nhiên như nước: ở thì chuộng chỗ thấp, ân tình thì chuộng thâm sâu, xử sự chuộng lòng nhân, nói thì chuộng chân thật, cai trị thì làm cho cuộc sống an bình, làm việc thì hợp với tài năng, hành động thì hợp thời đúng lúc.
Con người học từ đặc tính của nước, đó là nước trường giang chảy miết không ngơi, dù cuốn theo bao nhiêu rác rưởi mà vẫn luôn thanh khiết. “Người thiện, thì ta thiện; người không thiện, ta vẫn cứ thiện, đó chính là thiện”.
Trong mọi việc con người đều lưu giữ thiện tâm, lấy thiện đãi người, dù có chịu thiệt thòi trước mắt thì cũng không mất đi tín niệm trong lòng, như vậy sẽ được người yêu mến, được trời đất phù trợ, chính là thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Người hiểu được bài học này thì tâm mở rộng mênh mông để hòa nhập vào tất cả, hạnh phúc cũng cứ thế ngày càng nhân lên.
VietBF@ Sưu tập