Khoai tây và cơm đều chứa lượng tinh bột rất lớn, vì vậy nhiều người thắc mắc liệu có nên ăn khoai tây với cơm?
Nhiều bà nội trợ xem khoai tây như một loại rau, chế biến thành món canh, món xào để ăn trong bữa cơm.
Có nên ăn khoai tây với cơm?
Theo Healthxchange, cả khoai tây và cơm đều là carbohydrate phức hợp. Ăn khoai tây cùng với cơm thì chẳng khác nào ăn hai loại lương thực chính, hấp thụ quá nhiều tinh bột.
Khi kết hợp hai loại thực phẩm này, tinh bột sẽ nhanh chóng bị phân hủy thành glucose và hấp thụ vào máu, điều này có thể khiến lượng insulin tăng lên để xử lý lượng đường cao trong máu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Vì vậy, đáp án cho câu hỏi "có nên ăn khoai tây với cơm?" là không. Nên hạn chế ăn chung hai thực phẩm này. Nếu bạn muốn ăn khoai tây với cơm thì nên giảm lượng cả hai để tổng lượng tinh bột nạp vào cơ thể không cao hơn bình thường.
Có nên ăn khoai tây với cơm là thắc mắc của nhiều người. (Ảnh: Subbucooks)
Theo chuyên gia dinh dưỡng Peggy Tan (Trung tâm Y tế Cộng đồng Tiong Bahru, Singapore), đối với khoai tây, nên tránh chiên ngập dầu. Phương pháp chế biến lành mạnh nhất là hấp, luộc, nướng, kết hợp với một số loại dầu như dầu cải, dầu đậu nành, dầu ô liu...
Tác hại khi ăn quá nhiều khoai tây chiên
Khoai tây là thực phẩm tốt cho sức khỏe, nhưng khoai tây chiên lại gây ra nhiều tác hại nếu bạn ăn quá nhiều.
Tăng cân mất kiểm soát
Khoai tây vốn là thực phẩm chứa nhiều calorie. Quá trình chế biến khoai tây chiên sẽ nạp thêm rất nhiều calorie vào thực phẩm này. Điều đó có thể làm tăng nguy cơ béo phì và dẫn tới các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là ở những người ít vận động.
Tăng nguy cơ tiểu đường
Khoai tây chiên có thể làm tăng tình trạng kháng insulin và dẫn tới bệnh tiểu đường type 2. Trong nghiên cứu kéo dài 20 năm được thực hiện trên những người phụ nữ không có tiền sử bệnh mạn tính, các nhà khoa học nhận thấy việc tiêu thụ khoai tây chiên thường xuyên làm tăng nguy cơ tiểu đường type 2.
Mất cân bằng dinh dưỡng
Việc thường xuyên ăn khoai tây chiên sẽ khiến con người không có đủ chất dinh dưỡng để đáp ứng các nhu cầu cơ thể, nhất là trẻ em đang trong giai đoạn phát triển.
Thức ăn vặt này có rất ít vitamin, khoáng chất và chiếm chỗ của những thực phẩm giàu dinh dưỡng hơn. Vì vậy, nếu bạn chọn khoai tây chiên cho bé thay vì đồ ăn nhẹ có hàm lượng dinh dưỡng cao, bé sẽ không hấp thụ đủ chất dinh dưỡng.
Làm tăng lượng cholesterol
Hầu hết các loại khoai tây chiên đều được chiên ngập dầu. Quá trình này tạo ra chất béo chuyển hóa, loại chất béo nguy hiểm nhất. Ngoài ra, các loại dầu sử dụng để chiên khoai tây thường là chất béo bão hòa, cũng góp phần làm tăng mức độ cholesterol.
Một nghiên cứu năm 2007 cho thấy, lượng chất béo chuyển hóa trong máu cao có liên quan đến nồng độ cholesterol LDL cao và làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch vành. Mức chất béo chuyển hóa cao trong chế độ ăn có tương quan với lượng cholesterol cao trong máu.
Gây ung thư
Khoai tây chứa Acrylamide, chất độc có trong khói thuốc lá. Khi tiếp xúc với nhiệt độ cao do quá trình chiên rán, Acrylamide có thể sẽ gây ung thư. Việc thường xuyên tiêu thụ khoai tây chiên có thể làm tăng nguy cơ ung thư thận, ung thư nội mạc tử cung và ung thư buồng trứng.