Máu ảnh hưởng quyết định đến thân nhiệt, quá trình trao đổi chất, vận chuyển oxy, hormone, chất thải và dinh dưỡng.
Thông thường, máu luôn có màu đỏ. Khi nói đến màu sắc, máu màu xanh nghe có vẻ kỳ quái nhưng trong một số ít trường hợp, máu có thể chuyển sang màu xanh lá cây.
Trong giới tự nhiên, hầu hết các loại động vật đều có máu màu đỏ. Tuy nhiên, chỉ có một số ít loài có máu màu xanh như bạch tuộc hay cua móng ngựa. Chính xác hơn là máu của chúng có màu xanh da trời.
Ở con người, máu sẽ không thể nào chuyển sang màu xanh da trời. Vì thành phần quan trọng trong máu là tế bào hồng cầu, trong hồng cầu thì có rất nhiều hemoglobin. Đây là loại protein rất giàu chất sắt và tạo nên màu đỏ đặc trưng của máu. Hemoglobin mang oxy đi khắp cơ thể. Máu càng giàu oxy thì màu đỏ càng sáng.
Khi máu đã vận chuyển oxy đi khắp cơ thể thì nồng độ sẽ giảm xuống. Hệ quả là máu sẽ có màu đỏ đậm hơn. Màu đỏ đậm này chính là một trong những nguyên nhân khiến tĩnh mạch dưới da có màu xanh.
Dù máu đỏ không chuyển sang màu xanh da trời nhưng có thể chuyển sang một màu xanh khác. Theo trung tâm y tế phi lợi nhuận Cleveland Clinic (Mỹ), những người mắc một tình trạng hiếm gặp được gọi là sulfhemoglobinemia sẽ có máu màu xanh lá cây đậm. Tuy nhiên, sự thay đổi màu sắc máu này chỉ là tạm thời.
Sulfhemoglobinemia xảy ra thường do tác dụng phụ của một số loại thuốc có chứa sulfur, tức lưu huỳnh. Các tương tác hóa học giữa sulfur với hemoglobin khiến các phân tử sắt cấu thành hemoglobin bị oxy hóa chuyển thành trạng thái sắt ferric. Không những vậy, các phân tử sulfur liên kết với các phân tử hemoglobin tạo thành sulfhemoglobin.
Hệ quả của những tương tác hóa học này là khiến máu chuyển sang màu xanh lá cây đậm. Tuy nhiên, máu thường sẽ trở lại màu đỏ tự nhiên sau khi tế bào hồng cầu mới được tạo ra.
VietBF@ Sưu tập