1/3
Các hệ thống kim hoàn đồng loạt nâng giá vàng miếng 300.000-500.000 đồng một lượng, hiện giao dịch quanh vùng 66,2-67,2 triệu đồng.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) lúc 15h hôm nay niêm yết giá mua vào 66,4 triệu đồng, tăng 400.000 đồng so với phiên giao dịch cuối năm ngoái. Giá bán ra được nâng thêm 200.000 đồng, lên 67,2 triệu đồng - mức cao nhất trong nửa tháng qua.
Giá vàng tại các đơn vị kinh doanh vàng miếng quy mô nhỏ có mức tăng mạnh hơn bởi họ không điều chỉnh giá trong ba ngày nghỉ. Ví dụ, DOJI và Vietinbank Gold hôm nay cùng tăng 500.000 đồng, hiện mua vào 66,15 triệu đồng và bán ra 67,15 triệu đồng. Tăng đến nửa triệu đồng nhưng mức giao dịch tại những nơi này vẫn thấp hơn SJC 250.000 đồng mỗi lượng.
Giá vàng nhẫn cũng biến động mạnh khi được SJC mua vào 53,3 triệu đồng và bán ra 54,3 triệu đồng một lượng, tăng 300.000 đồng. Các hệ thống khác như PNJ, Mi Hồng tăng nửa triệu đồng cho vàng nhẫn trọng lượng một chỉ.
Đà tăng của thị trường kim loại quý trong nước bám sát với diễn biến thế giới. Mỗi ounce vàng thế giới hôm nay tăng 15 USD, lên 1.840 USD. Đây là vùng giá cao nhất kể từ cuối tháng 6/2022 đến nay.
Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank, mỗi lượng vàng trong nước đang cao hơn thế giới 14,68 triệu đồng.
Theo ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, giá vàng trong nước hiện chủ yếu chịu ảnh hưởng bởi thị trường thế giới. Tuy nhiên, vào giai đoạn cận Tết đến ngày vía Thần Tài (10/1 âm lịch) thì mức độ bị ảnh hưởng sẽ ít hơn và nhiều khả năng giá bật mạnh 5-7% vì nhu cầu đột biến.
Ông Hải cho rằng trong khoảng nửa đầu năm, giá vàng miếng trong nước sẽ dao động 66-67 triệu đồng, còn vàng nhẫn quanh mức 53-55 triệu đồng. Biên độ chênh lệch giữa giá SJC và giá thế giới khoảng 13-15 triệu đồng có thể chưa thay đổi. Nếu không xuất hiện những sự kiện bất ngờ và không được dự báo trước, thị trường vàng sáu tháng tới sẽ tương đối trầm lắng bởi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể không nâng lãi suất và lạm phát thế giới có dấu hiệu đạt đỉnh.
|