6 tháng FBI vạch kế hoạch khám xét dinh thự ông Trump. FBI đã mất 6 tháng đấu tranh để đi đến quyết định khám xét dinh thự của ông Trump khi được Cục Lưu trữ Liên bang đề nghị điều tra hồi tháng 2.
Hai mối quan tâm hàng đầu của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) trong quá trình này là: Đề nghị khám xét phải được Bộ trưởng Tư pháp cho phép và họ không muốn cựu tổng thống Donald Trump có mặt tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago vào thời điểm cuộc lục soát diễn ra.
FBI cũng cảnh giác với khả năng xảy ra một cuộc đối đầu giữa các đặc vụ liên bang thực hiện cuộc khám xét và những nhân viên Sở Mật vụ bảo vệ cựu tổng thống, theo các nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề.
"Thực hiện một cuộc khám xét như vậy là vô cùng nhạy cảm", Jeffrey Cortese, cựu giám sát viên FBI, cho hay. Theo ông, tìm thời điểm cựu tổng thống không có mặt tại Mar-a-Lago để tiến hành khám xét là cách FBI giảm "tính nhạy cảm" của vấn đề. "Họ muốn vào và ra khỏi đó mà không gặp bất kỳ rắc rối nào".
Qua phỏng vấn với các nguồn tin đáng tin cậy am hiểu cuộc điều tra, báo Washington Post đã tái hiện quá trình FBI đưa ra quyết định cuối cùng cũng như những nỗ lực của họ nhằm giảm thiểu rủi ro pháp lý và sai lầm có thể xảy ra trong 6 tháng trước khi tiến hành cuộc khám xét dinh thự của ông Trump.

Các đặc vụ FBI canh gác trước cổng khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của cựu tổng thống Donald Trump trong cuộc khám xét ngày 8/8. Ảnh: AP.
Cuộc điều tra bắt nguồn từ bất đồng giữa ông Trump với Cục Lưu trữ Quốc gia Mỹ. Theo Đạo luật Hồ sơ Tổng thống, cơ quan này có trách nhiệm thu thập và bảo quản bất kỳ tài liệu nào được tạo ra hoặc nhận được trong nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ.
Tháng 5/2021, vài tháng sau khi ông Trump mãn nhiệm, các quan chức Cục Lưu trữ nhận ra rằng một số hồ sơ thuộc diện họ cần thu hồi từ Nhà Trắng dường như đã bị thất lạc. Họ liên tục thúc giục Trump trả lại mọi hồ sơ, tài liệu tổng thống mà ông còn nắm giữ.
Luật sư của ông Trump hứa hẹn hợp tác, nhưng đồng thời cũng yêu cầu có thêm thời gian để chuẩn bị. Suốt nhiều tháng, Cục Lưu trữ vẫn không thể nhận lại những tài liệu cần thiết. Trong khi đó, ông Trump bác bỏ mọi ý kiến cho rằng trong những thùng hồ sơ được chuyển từ Nhà Trắng đến Mar-a-Lago có chứa các tài liệu quan trọng hoặc nhạy cảm của chính phủ, khẳng định chúng chủ yếu là những đồ lặt vặt như các mẩu báo hay áo đánh golf cũ.
Cuối tháng 12 năm ngoái, Alex Cannon, luật sư của ông Trump, thông báo với Cục Lưu trữ rằng họ đã xác định được hơn 10 hộp chưa tài liệu và sẽ trả lại chính phủ, trong số đó có thư của lãnh đạo Triều Tiên và của cựu tổng thống Barack Obama. Cuối cùng, Cục Lưu trữ nhận được 15 hộp và họ lập tức phát hiện ra những tài liệu mật trong đó.
Quan chức Cục Lưu trữ bắt đầu gọi điện cho FBI vào ngày 7/2 để đề nghị mở cuộc điều tra. FBI ban đầu lưỡng lự, vì họ không muốn bị lôi kéo vào một cuộc tranh chấp hồ sơ hay trở thành công cụ giúp thực thi Đạo luật Hồ sơ Tổng thống.
Các đặc vụ FBI đặt câu hỏi tại sao việc ai nắm giữ hồ sơ, tài liệu nào lại là vấn đề quan trọng, vì có lẽ bất kỳ tài liệu nào của Nhà Trắng đều tồn tại ở nhiều dạng khác nhau và trên cả máy tính. Nhưng các quan chức Cục Lưu trữ nhấn mạnh thu hồi tài liệu gốc, trong đó có cả các ghi chú viết tay, là điều cần thiết để tuân thủ luật bảo quản hồ sơ tổng thống.
Sau hàng loạt cuộc trao đổi trong nhiều ngày, các quan chức FBI cuối cùng nhận thấy một bộ hồ sơ, cụ thể là những bức thư của lãnh đạo Triều Tiên, là bằng chứng rõ ràng về những hệ lụy an ninh có thể xảy ra nếu chúng bị thất lạc hoặc bị đưa đến sai người.
Các đặc vụ FBI cũng bị thuyết phục rằng một số tài liệu của chính phủ chứa trong những chiếc hộp được chuyển đến Mar-a-Lago là quan trọng, đặc biệt là các thông tin mật về vũ khí hạt nhân.
Theo quy định của Đạo luật Hồ sơ Tổng thống, để có thể tiếp cận những tài liệu mà Cục Lưu trữ mô tả, FBI cần được cố vấn Nhà Trắng chấp thuận. Quá trình xin ý kiến này kéo dài đến tháng 4 và đây không phải rào cản thủ tục duy nhất. Các quan chức Cục Lưu trữ cũng phải thông báo cho ông Trump ý định của họ về việc cho phép FBI xem qua các tài liệu được phân loại là mật.
Đội ngũ luật sư của ông Trump đã cố gắng ngăn chặn cuộc điều tra bằng cách viện dẫn đặc quyền hành pháp của tổng thống, nhưng các công tố viên cho rằng cựu tổng thống không được hưởng đặc quyền này.
Đến giữa tháng 5, FBI cuối cùng đã được quyền tiếp cận những hộp tài liệu mà luật sư của Trump gửi đến Cục Lưu trữ và xác nhận chúng chứa 184 tài liệu mật, tổng cộng hơn 700 trang.
FBI bắt đầu tham gia quyết liệt hơn vào cuộc điều tra để ngăn chặn thông tin bị rò rỉ và thu hồi các giấy tờ nhạy cảm. Cuối cùng, công tố viên đã gửi trát tới văn phòng của ông Trump, yêu cầu trả lại tất cả tài liệu mật.
Các hộp chứa đồ của gia đình ông Trump được chất lên xe tải để chuyển đi tại Tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower trong khu phức hợp Nhà Trắng ngày 14/1/2021. Ảnh: Washington Post.
Các đặc vụ âm thầm thẩm vấn những nhân viên của ông Trump và thông tin nhận được chỉ càng khiến họ tin rằng cựu tổng thống vẫn giữ lại nhiều tài liệu mật.
Vào đầu tháng 6, Jay Bratt, quan chức cấp cao Bộ Tư pháp, dẫn đầu một nhóm cộng sự tới Mar-a-Lago để tìm hiểu mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Đối với các nhà điều tra, họ vô cùng quan ngại về việc những tài liệu mật được lưu trữ ở tư gia thay vì một cơ sở an toàn của chính phủ. Thêm vào đó, Mar-a-Lago còn là một khu nghỉ dưỡng, câu lạc bộ tư nhân, chào đón không ít thành viên, khách hàng mỗi ngày, và đa phần quá trình kiểm tra an ninh đều rất lỏng lẻo. Ông Trump cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện đông người hay tiếp khách ở đây.
Nhóm Bratt nhận được một phong bì niêm phong, trong đó chứa 38 tài liệu mật và một bản tuyên thệ có chữ ký của Christina Bobb, luật sư mới đảm nhận vai trò lưu giữ hồ sơ cho văn phòng ông Trump. Tuyên bố của Bobb nhấn mạnh một "cuộc tìm kiếm chuyên sâu" đã được tiến hành nhằm phát hiện mọi tài liệu mật mà ông Trump đang lưu giữ ở Mar-a-Lago.
Nhưng vẫn có những dấu hiệu cho thấy nhóm của cựu tổng thống Trump dường như đang che giấu điều gì đó. Khi nhóm Bratt đến thăm kho chứa dưới tầng hầm, nơi cất giữ nhiều hộp chuyển đến từ Nhà Trắng, họ không được phép mở chúng ra và quan sát bên trong, theo hồ sơ tòa án.
Trong khi đó, Bộ Tư pháp và FBI đã phát hiện ra bằng chứng cho thấy ông Trump hoặc những người xung quanh ông có thể đang cố che giấu hay giữ lại tài liệu mật.
Các đặc vụ đã phỏng vấn Walt Nauta, cựu nhân viên Nhà Trắng, người đã theo Trump đến Florida để tiếp tục làm việc cho ông. Ban đầu, Nauta nói với FBI rằng ông không biết gì về các tài liệu mật hoặc những chiếc hộp chứa chúng. Nhưng khi các đặc vụ phỏng vấn lần thứ hai, Nauta lại kể một câu chuyện khác hẳn, rằng ông đã chuyển những chiếc hộp từ phòng chứa đồ đến nơi ở của Trump và rằng anh ta đã làm như vậy theo yêu cầu từ cựu tổng thống.
Với lời khai của Nauta, cuộc điều tra đã bắt đầu tiến triển nhanh chóng hơn.
Từ giữa năm 2022, Bộ trưởng Garland được cập nhật thông tin gần như hàng ngày về tiến trình điều tra. Ông tham vấn những nhân viên có kinh nghiệm khi xem xét thủ tục pháp lý để tránh mọi sai lầm có thể xảy ra.
Những trang tài liệu các đặc vụ tìm thấy tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago trong cuộc khám xét ngày 8/8. Ảnh: AP.
Bước sang mùa hè, khi Bộ Tư pháp kết luận rằng Trump có thể đã không giao nộp tất cả tài liệu mật mà ông sở hữu, các công tố viên bắt đầu cân nhắc bổ sung vào danh sách những cáo buộc có thể chống lại ông, như cản trở công lý, nếu ông cố tình phớt lờ trát đòi hầu tòa, hay tiêu hủy tài liệu chính phủ thay vì trao trả chúng.
Các cuộc thảo luận về việc có nên xin lệnh khám xét nhà và văn phòng của cựu tổng thống hay không bắt đầu diễn ra. Đây là một hành động chưa từng có tiền lệ, chắc chắn sẽ khiến Trump và những người ủng hộ ông giận dữ. Nó cũng có thể khiến danh tiếng của Bộ Tư pháp bị ảnh hưởng nếu cuộc khám xét không thu được kết quả nào đáng chú ý.
Sau nhiều tuần thảo luận, các quan chức cấp cao FBI đã nói rõ rằng họ sẽ chỉ tiến hành khám xét nếu được chính Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland phê chuẩn. Nếu muốn đi bước quyết định này, FBI phải phối hợp với Bộ Tư pháp Mỹ. Và Bộ tư Pháp đã đồng ý.
Nhưng vào thời điểm đó, nhóm truy tố an ninh quốc gia của Bộ Tư pháp, do Matthew Olsen đứng đầu, và một số đặc vụ tại Văn phòng FBI Washington, do Steven D'Antuono dẫn dắt, đã xảy ra bất đồng.
Các công tố viên của Bộ Tư pháp cho rằng họ đã thu thập đủ bằng chứng để yêu cầu thẩm phán phê chuẩn lệnh khám xét Mar-a-Lago. Nhưng một số đặc vụ FBI tỏ ra hoài nghi. Họ dường như không có bất kỳ bậc thang nào để leo lên, đơn giản vì mục tiêu là cựu tổng thống Mỹ.
Bất cứ động thái pháp lý nào với Mar-a-Lago đều có thể châm ngòi đối đầu trực tiếp với ông Trump. Bất kỳ sai lầm nào cũng có thể gây ra những hậu quả lâu dài nghiêm trọng cho Bộ Tư pháp, FBI và cả quốc gia.
Những quan chức cấp cao nhất của cả Bộ Tư pháp và FBI đều hiểu rằng khám xét nhà cựu tổng thống Trump sẽ là một bước đi định mệnh. Với nhiều cuộc đối đầu đã xảy ra giữa ông Trump với Bộ Tư pháp và FBI, các nhà điều tra hoàn toàn hiểu họ sẽ phải chịu hàng loạt đòn công kích công khai từ cựu tổng thống Mỹ và những người ủng hộ ông nếu tiếp tục tiến lên phía trước.
Cuối cùng, Bộ Tư pháp đã quyết định sẽ thúc đẩy việc xin lệnh khám xét sau 6 tháng điều tra. Việc chọn thời điểm Trump không có mặt tại Mar-a-Lago để thực thi lệnh khám xét khá dễ dàng, vì trong những tháng hè nóng bức, ông hiếm khi lưu trú lại đây.
Ngày 5/8, các đặc vụ FBI được một thẩm phán tòa án liên bang ở Florida chấp thuận tiến hành cuộc khám xét. Ba ngày sau, các đặc vụ mặc thường phục xuất hiện tại Mar-a-Lago, mang theo lệnh khám xét đã được tòa án phê chuẩn. Với tờ lệnh này, họ không gặp bất cứ trở ngại nào từ phía các mật vụ đang bảo vệ Mar-a-Lago.
Họ đã dành hàng giờ lục soát phòng chứa đồ, nơi ở và văn phòng của ông Trump, tìm thấy 103 tài liệu mật. Họ cũng thu giữ khoảng 13.000 tài liệu không được phân loại mật như một phần của cuộc điều tra.
Kết hợp với các tài liệu được thu hồi trước đó trong những chiếc hộp gửi đến Cục Lưu trữ vào tháng 12/2021 và trong chiếc phong bì hồi tháng 6, FBI xác định cựu tổng thống đã giữ ít nhất 325 tài liệu mật tại khu nghỉ dưỡng của mình.
60 hồ sơ trong số này được đánh dấu "tuyệt mật". Một số chứa thông tin về năng lực hạt nhân của một quốc gia nước ngoài, chương trình tên lửa Iran và nỗ lực thu thập thông tin tình báo của Mỹ nhằm vào Trung Quốc, theo các nguồn thạo tin.
Ba ngày sau, Bộ trưởng Garland đã thực hiện một động thái bất thường khi mời các phóng viên đến trụ sở Bộ Tư pháp để giải thích rằng chính ông đã phê chuẩn quyết định khám xét. Ông cũng lên tiếng bảo vệ FBI và các quan chức Bộ Tư pháp.
"Các nhân viên FBI và Bộ Tư pháp là những công chức tận tụy, yêu nước", ông nói. "Họ vẫn hàng ngày bảo vệ người dân Mỹ khỏi tội phạm bạo lực, khủng bố và các mối đe dọa khác, đồng thời bảo vệ cả quyền công dân của chúng ta. Họ làm vậy với lòng hy sinh lớn lao và rủi ro cho chính họ".
VietBF@ sưu tập