Người bệnh ung thư hoặc người nhà có thể chế biến món sinh tố với chất béo tốt (hạt chia, bơ…), rau quả giàu chất chống oxy hóa (dâu tây, việt quất…).
Người ung thư thường mệt mỏi, chán ăn, ăn uống không ngon miệng. Tuy nhiên, lúc này, người bệnh cần cung cấp nhiều chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, hỗ trợ quá trình điều trị và phục hồi.
Sinh tố là món ăn ngon miệng có thể giúp bổ sung các chất dinh dưỡng quan trọng vào chế độ ăn uống. Dưới đây là cách kết hợp các thành phần giúp món sinh tố bổ dưỡng, hấp dẫn cho bệnh nhân ung thư.
Chọn chất lỏng
Để làm món sinh tố, bạn có thể sử dụng hai cốc của một trong những chất lỏng như sau:
Nước lọc: Đây là lựa chọn tốt để bạn theo dõi lượng calo, tạo cho món sinh tố có vị dịu nhẹ hơn.
Nước dừa: Loại đồ uống này giúp bù nước tự nhiên, chứa nhiều chất điện giải như natri và kali.
Sữa hạnh nhân: Sữa hạnh nhân có hàm lượng calo thấp và mùi vị thơm ngon, dễ uống.
Sữa ít béo: Cung cấp thêm protein, năng lượng cho người bệnh.
Nước hoa quả: Lựa chọn tốt để tăng lượng calo, chất dinh dưỡng, tạo ra một ly sinh tố đậm đà, có hương vị hơn.
Chọn trái cây
Một chén trái cây hơi ngọt, giàu chất xơ giúp tăng cường sức khỏe tiêu hóa và cân bằng nhiều hương vị. Bạn có thể chọn những loại trái cây ưa thích và dưới đây là một vài gợi ý.
Chuối: Loại trái cây này là nguồn kali tốt cho huyết áp và cân bằng điện giải.
Lê: Flavonol - hợp chất thực vật trong lê có khả năng chống oxy hóa, có lợi cho tim.
Xoài: Xoài chứa nhiều vitamin A và C tăng cường miễn dịch cho người bệnh ung thư.
Người bệnh có thể dùng một chén trái cây có màu sẫm để tận dụng các hợp chất tự nhiên như anthocyanin, lycopene, resveratrol... hỗ trợ chống ung thư. Các hợp chất thực vật này trong trái cây sẫm màu còn có tác dụng chống oxy hóa, góp phần chống lại gốc tự do. Quả mọng (dâu tây, việt quất, mâm xôi...) hoặc quả anh đào là nguồn cung cấp anthocyanin tốt. Trong khi đó, dưa hấu chứa nhiều lycopene, nho tím mang đến nguồn resveratrol tốt.
Sinh tố giúp cung cấp các vitamin và khoáng chất, năng lượng cho người ung thư. Ảnh: Unsplash
Chọn rau xanh
Một chén rau lá xanh cung cấp cho cơ thể vitamin B và sắt giúp tái tạo tế bào máu, cũng như các chất dinh dưỡng khác.
Rau chân vịt: Loại rau này giàu chất sắt, chứa nhiều vitamin A chống oxy hóa mạnh.
Cải xoăn: Nó thuộc nhóm rau màu xanh đậm giàu chất chống oxy hóa, vitamin A và C.
Rau diếp: Rau diếp chứa nhiều vitamin A và hương vị nhẹ, là một lựa chọn phù hợp nếu người bệnh ung thư chưa từng thử sinh tố rau xanh trước đây.
Chọn chất đạm
Một số protein trong các loại hạt, sữa chua... có thể giúp người bệnh ổn định lượng đường trong máu.
Các loại hạt hoặc bơ hạt: Bạn có thể thử thêm một muỗng canh hạt hạnh nhân, quả óc chó hoặc bơ đậu phộng.
Sữa chua Hy Lạp: Thêm 100 ml sữa chua Hy Lạp không đường giúp món sinh tố có thêm chất đạm, bổ dưỡng hơn.
Chọn chất béo
Chất béo lành mạnh giúp hấp thụ chất dinh dưỡng và tạo cảm giác no lâu hơn.
Hạt chia hoặc hạt lanh: Một muỗng cà phê hạt chia hoặc hạt lanh góp phần giảm huyết áp, chứa nhiều chất chống oxy hóa, protein, sắt và canxi.
Trái bơ: Bạn có thể dùng một lát một quả bơ chín vì nó giàu chất xơ, chứa nhiều axit oleic - một chất chống viêm.
Dầu dừa: Một một muỗng canh dầu dừa cho vào sinh tố làm tăng cholesterol tốt (HDL) và hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Cách tăng lượng calo
Nếu người bệnh ung thư đang tìm nhiều cách để tăng lượng calo thì có thể thêm bất kỳ thành phần nào dưới đây vào món sinh tố.
Kem: Một muỗng kem với nhiều calo, hương vị của nó sẽ hòa hợp với các thành phần khác trong món sinh tố.
Dầu ô liu: Thêm một muỗng canh dầu ô liu để sinh tố sánh mịn và tốt hơn cho sức khỏe.
Mật ong: Một muỗng canh mật ong là lựa chon thay thế tốt cho hầu hết các chất làm ngọt trong món sinh tố.
Sữa bột: Một muỗng sữa bột cung cấp nhiều vitamin E, hỗ trợ sức khỏe của da, móng và tóc.
Nếu bạn cảm thấy buồn nôn hoặc đau bụng do quá trình điều trị ung thư có thể thêm vào sinh tố sữa chua (nguồn cung cấp lợi khuẩn cho đường tiêu hóa), bạc hà tươi (dùng 4-6 lá), gừng tươi xay nhỏ (khoảng một muỗng cà phê), vỏ chanh (nửa muỗng cà phê giúp làm dịu bụng).