Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng giới làm phim Việt còn nhiều hạn chế về điện ảnh như không đủ khả năng thẩm định kịch bản, coi trọng yếu tố bề nổi và thiếu đầu tư.
Đạo diễn, nhà sản xuất Nguyễn Hữu Tuấn sinh năm 1984, hiện là hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam. Anh là đạo diễn của các bộ phim điện ảnh Dành cho tháng Sáu (2012) - tác phẩm nhận Giải thưởng Ban giám khảo tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XVIII (2013) và Mặt Trời, con ở đâu (2018).
Tại buổi hội thảo khoa học "Đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa 2019-2021", đạo diễn, nhà sản xuất Nguyễn Hữu Tuấn có phần tham luận gây chú ý với chủ đề "Vì sao sản xuất phim điện ảnh Việt Nam chưa hấp dẫn vốn đầu tư".
Trong nội dung tham luận, nhà sản xuất chỉ ra những hạn chế của giới làm phim Việt hiện nay. Đồng thời, Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng điện ảnh nội địa đang đối diện với nhiều thách thức khi thói quen giải trí của công chúng dần thay đổi, sự phát triển như vũ bão của các nền tảng OTT, VOD, hệ thống rạp chiếu phim ngày càng thu hẹp...
352 tỷ đồng đầu tư phim vào năm 2019 không thể thu hồi
Từ thực tiễn làm phim và quá trình thu thập số liệu, tin tức từ nhiều trang như Box Office Vietnam, Moveek, Nguyễn Hữu Tuấn cung cấp một số dữ liệu về tình hình phát triển của điện ảnh Việt trong những năm gần đây. Tuy nhiên, anh nói với Zing số liệu dưới đây dừng lại ở mức tương đối và chỉ mang tính chất tham khảo.
Cụ thể, nhà sản xuất sinh năm 1984 chỉ ra từ 2012 đến 2020, doanh thu phim điện ảnh ngày càng tăng. Trong đó, năm 2019 là giai đoạn thành công nhất của điện ảnh Việt, với mức doanh thu khoảng 4.100 tỷ đồng, gấp 4 lần so với năm 2012.
Ba phim có doanh thu trên 150 tỷ đồng gồm Mắt biếc, Hai Phượng và Cua lại vợ bầu.
Trong năm 2019, có 42 tác phẩm điện ảnh Việt phát hành, chiếm 32% trên tổng doanh thu phòng vé. Doanh thu phim ngoại chiếm 68%.
"Hiện nay, kinh phí trung bình cho mỗi bộ phim là 15 tỷ đồng. Nếu tính đơn giản, tổng kinh phí cho 42 bộ phim Việt sẽ rơi vào khoảng 630 tỷ đồng. Theo thông lệ thì nhà sản xuất sẽ nhận được từ 40-45% doanh thu từ bộ phim. Như vậy nếu tính tổng 42 phim thì doanh thu phòng vé để đạt điểm hòa vốn là 1.400 tỷ đồng", anh chia sẻ.
Trong 42 phim, chỉ có 3 tác phẩm có doanh thu trên 150 tỷ đồng gồm Hai Phượng, Cua lại vợ bầu và Mắt biếc; 3 phim đạt 80-100 tỷ đồng là Lật mặt: Nhà có khách, Trạng Quỳnh và Chị chị em em; 8 phim có doanh thu từ 30-60 tỷ đồng và 27 tác phẩm dưới 24 tỷ đồng.
Trong số các phim còn lại, có 18 tác phẩm doanh thu dưới 3,5 tỷ đồng, 2 phim đạt 4-5 tỷ đồng.
Từ số liệu trên, nhà sản xuất nhận định 3 tác phẩm Hai Phượng, Cua lại vợ bầu và Mắt biếc góp vai trò quan trọng trong cơ cấu doanh thu của năm.
"Theo ước tính, những bộ phim doanh thu dưới 3,5 tỷ đồng lỗ khoảng 258 tỷ đồng. Ê-kíp của 9 bộ phim doanh thu từ 4-24 tỷ đồng sẽ lỗ 94 tỷ đồng. Vậy thì khoảng 352 tỷ đồng tương đương 56% vốn đầu tư vào những bộ phim chiếu rạp tại Việt Nam trong năm 2019 là không thể thu hồi", ông Nguyễn Hữu Tuấn cung cấp thông tin.
Điểm yếu của nhà sản xuất phim trong nước
Cũng trong phần tham luận, ông Nguyễn Hữu Tuấn nêu ra một số hạn chế của giới làm phim điện ảnh trong nước. Nguyễn Hữu Tuấn cho biết nhiều nhà sản xuất thiếu kiến thức điện ảnh, không đủ khả năng để thẩm định kịch bản. Số khác coi trọng các yếu tố bề nổi, thiếu đầu tư cả về thời gian và chi phí cho yếu tố cốt lõi là nội dung kịch bản.
Nhiều nhà làm phim thuộc độ tuổi 7X không theo kịp sự thay đổi trong trình độ tiếp nhận nhu cầu, thị hiếu của lứa khán giả ở độ tuổi từ 16-30, chủ yếu là thế hệ gen Z.
Thói quen đầu tư theo tư duy ăn xổi, thiếu sự kiến tạo cũng là một trong số những hạn chế của giới làm phim Việt hiện nay, theo Nguyễn Hữu Tuấn.
"Ở góc độ người làm chuyên môn, tôi nghĩ rằng khán giả rất rõ ràng trong nhận thức. 27 bộ phim có doanh thu thấp đều có chất lượng từ trung bình tới mức độ thảm họa. Dĩ nhiên khán giả không có lý do gì để chi tiền cho những tác phẩm như thế", nhà sản xuất nhìn nhận.
Ông nói đối với những bộ phim kém chất lượng, có doanh thu bết bát, nhà sản xuất, đạo diễn phải là những người đầu tiên đứng ra chịu trách nhiệm. Một số nhà làm phim sau khi thu lời lại không dám đầu tư cho một tác phẩm khác. Họ sử dụng doanh thu và lợi nhuận để đầu tư lĩnh vực khác.
Theo Nguyễn Hữu Tuấn, điện ảnh nội địa ngày càng đối mặt với nhiều thách thức như thói quen giải trí của công chúng chuyển dịch dần về các xu hướng online; tình hình kinh doanh của các hệ thống rạp chiếu chậm hồi phục, có khả năng là sẽ càng ngày càng thu hẹp; các kênh online (streaming, VOD, OTT…) không thể trở thành thị trường chính của các bộ phim điện ảnh được đầu tư kinh phí lớn.
Trong bối cảnh đó, việc kêu gọi vốn đầu tư của các nhà sản xuất ngày càng trở nên khó khăn hơn trước.