Nhịn ăn, ăn kiêng để giảm cân có thể khiến cơ thể bị thiếu hụt hoặc mất cân bằng dinh dưỡng, gây ra tình trạng rụng tóc không kiểm soát.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Lê Thúy Tươi - chuyên gia cao cấp về sức khỏe giới tính, nguyên giảng viên tại Đại học Y Dược TP HCM, nguyên bác sĩ tại Viện Y dược học Dân tộc TP HCM, chế độ ăn kiêng hà khắc có thể giúp giảm cân nhanh chóng. Tuy nhiên, việc "ép cân" bằng cách nhịn ăn, cắt giảm chất béo, ăn thiếu đạm, thiếu tinh bột, các vi chất... là một trong những nguyên nhân gây rụng tóc (gọi là chứng rụng tóc Telogen). Đây là một dạng rụng tóc cấp tính, khiến tóc khó mọc lại hoặc mọc yếu, sợi mảnh. Tình trạng thường xảy ra sau 3 tháng ăn kiêng giảm cân, kéo dài khoảng 6 tháng.
Bác sĩ Tươi cho biết, thành phần cốt lõi tạo nên một sợi tóc là protein (với khoảng 80% là keratin). Những người cắt giảm protein ra khỏi thực đơn hàng ngày có thể khiến dưỡng chất nuôi tế bào mầm tóc suy giảm, khiến tóc dễ khô, yếu, chẻ ngọn và rụng nhanh hơn bình thường. Ngoài ra, protein còn có vai trò quan trọng tạo ra các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, dopamine. Thiếu 2 chất này sẽ gây căng thẳng, khó ngủ, khiến tế bào mầm tóc nhanh suy yếu.
Nhịn ăn để giảm cân có thể gây rụng tóc. Ảnh: Shutterstock
Không chỉ protein, tóc cũng cần có đủ dưỡng chất như vitamin E, dầu omega-3 trong các chất béo để mọc chắc khỏe. Việc hạn chế hoặc cắt bỏ hoàn toàn toàn chất béo để giảm cân khiến nang tóc, tế bào mầm tóc dần yếu đi, gây mất cân bằng độ ẩm trên da đầu, khiến tóc dễ rụng.
Chế độ ăn thiếu hụt chất sắt cũng không tốt. Sắt là thành phần cấu tạo hemoglobin của hồng cầu. Thiếu sắt gây thiếu máu nhược sắc, dẫn đến phá vỡ chu kỳ phát triển của tế bào mầm tóc, làm tóc nhanh gãy rụng. Ngoài ra, chế độ ăn ít calo, ít tinh bột cũng làm tóc rụng, lâu mọc.
Ngoài thiếu hụt dinh dưỡng khi ăn kiêng sai cách, phẫu thuật thu hẹp dạ dày nhằm giảm cân nhanh cũng có thể gây rụng tóc. Theo một nghiên cứu công bố trên PubMed thuộc Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Mỹ (NCBI ),trong 156 bệnh nhân nữ đã trải qua phẫu thuật cắt vạt dạ dày có 72% bị rụng tóc sau khi phẫu thuật. Trong đó, 79% người tham gia bị rụng tóc khoảng 3-4 tháng sau khi phẫu thuật và kéo dài trung bình 5,5 tháng.
Bác sĩ Thúy Tươi khuyến cáo, để đẹp từ vóc dáng đến mái tóc, cần lưu ý giảm cân an toàn với mục tiêu giảm khoảng 5-10% cân nặng trong 3-6 tháng. Đồng thời, mỗi người cần tuân thủ nguyên tắc: dinh dưỡng hợp lý, có lối sống khoa học, bổ sung dưỡng chất chuyên biệt cho mái tóc.
Về dinh dưỡng, mỗi người cần xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, kiểm soát lượng thực phẩm nạp vào cơ thể hằng ngày (1200-1600 Kcal/ngày) nhưng phải đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm dưỡng chất cần thiết (đạm, bột đường, béo, vitamin và khoáng chất). Trong đó, chú ý bổ sung đủ protein (có trong các loại cá, thịt nạc, trứng, các loại đậu...), các loại chất béo có lợi, kẽm, sắt và rau củ quả, trái cây giàu vitamin A, C...
Trong quá trình ăn kiêng, bạn cũng có thể lưu ý bổ sung một số dưỡng chất chuyên biệt giúp tăng trưởng tế bào mầm tóc, phục hồi tóc mọc chắc khỏe. Ví dụ, theo bác sĩ Tươi, các nhà khoa học Mỹ phát ra hiện tinh chất Cynatine - một loại protein Keratin thủy phân dạng peptide. Cynatine là nguồn cung cấp các axit amin quý cho tóc với tỉ lệ tương tự Keratin, giúp bảo vệ và tăng trưởng tế bào mầm tóc. Khi Cynatine kết hợp thêm các dưỡng chất khác sẽ giúp giảm rụng tóc hiệu quả, kích thích mọc tóc chắc khỏe từ bên trong.
Ngoài ra, mỗi ngày mỗi người nên dành ít nhất 30 phút để luyện tập các môn thể thao như chạy bộ, gym, squats, plank, hít đất, bơi lội... để tiêu hao năng lượng, đốt cháy mỡ thừa, tăng quá trình trao đổi chất và lưu thông máu tốt hơn. Song song với quá trình tập luyện giảm cân, bạn cần lưu ý các thói quen bảo vệ tóc như không buộc tóc quá chặt, ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng, gội đầu với các loại dầu gội thiên nhiên, phù hợp với tính chất tóc.