Sử dụng quần áo chất liệu thoáng mát, tránh mặc đồ ướt, uống nhiều nước, chườm mát vùng phát ban... giúp giảm ngứa và khó chịu do rôm sảy.
Bác sĩ Đinh Ngọc Liên, Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết rôm sảy (một dạng phát ban do nhiệt) là bệnh lý phổ biến mùa hè, ở nơi có khí hậu nóng ẩm. Bệnh xảy ra khi mồ hôi không thoát ra bên ngoài bề mặt da, do tắc nghẽn các tuyến mồ hôi ở các lớp sâu hơn của da. Tình trạng này có thể dẫn đến viêm, mẩn đỏ và nổi mụn nước, kèm theo ngứa hoặc cảm giác châm chích, sưng nhẹ; nặng hơn là bội nhiễm vi trùng.
Người thừa cân béo phì, người dễ đổ mồ hôi rất dễ bị rôm sảy. Ngoài ra, trẻ sơ sinh và trẻ em cũng là "mồi ngon" của rôm sảy, vì tuyến mồ hôi của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Các vùng đổ mồ hôi nhiều như mặt, cổ, ngực dưới, bìu... và chỗ nhiều nếp gấp da hoặc vùng hay cọ sát với quần áo (lưng, ngực, bụng) là nơi dễ bị phát ban nhất.
Theo bác sĩ Liên, rôm sảy không nguy hiểm, thường tự biến mất trong 24 giờ. Các mẹo để tránh rôm sảy tái phát và giảm triệu chứng ngứa là hạn chế tiếp xúc với môi trường nóng ẩm. Cho trẻ mặc quần áo cotton nhẹ, rộng rãi, dùng bộ ga giường sạch sẽ, giúp thấm hút mồ hôi. Tẩy tế bào chết nhẹ nhàng để loại bỏ các tế bào da chết và bã nhờn có thể làm tắc nghẽn tuyến mồ hôi.
Lúc tập thể thao, bạn nên chọn địa điểm và thời gian có nhiệt độ mát mẻ, ít độ ẩm, giúp cơ thể giảm tiết mồ hôi. Đồng thời nên dùng quạt, điều hòa nhiệt độ để giảm thân nhiệt. Việc tắm nước mát thường xuyên và vỗ nhẹ cho da khô sẽ giúp da dễ chịu. Bạn cũng cần tránh mặc quần áo ẩm ướt, như sau khi bơi.
Khi da phát ban, nên đắp một miếng gạc mát, hoặc khăn ẩm hay túi đá bọc trong khăn lên vùng tổn thương trong tối đa 20 phút mỗi lần. Nếu ngứa, hãy vỗ nhẹ lên vùng phát ban thay vì gãi. Uống nhiều chất lỏng để ngăn ngừa tình trạng mất nước.
Ngoài ra, trong trường hợp bị rôm sảy dai dẳng, ngứa nhiều, người bệnh có thể sử dụng một số chế phẩm bôi ngoài da không kê đơn như calamine, tinh dầu bạc hà, kem hoặc thuốc mỡ có chứa long não. Người trên 10 tuổi có thể sử dụng kem steroid sẽ giúp làm giảm ngứa và viêm. Các sản phẩm kháng khuẩn khác có thể giúp kiểm soát hoặc ngăn ngừa nhiễm trùng.
Nếu bạn bị phát ban kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, như sốt, hạch to, đau cơ; có dấu hiệu nhiễm trùng (mụn nước vỡ hoặc tổn thương mụn mủ), kiệt sức vì nhiệt và không có khả năng đổ mồ hôi... cần đi khám để được chẩn đoán tìm nguyên nhân. Nhiều bệnh gây phát ban, như sởi, thủy đậu, viêm nang lông, HIV cấp... có thể gây nhầm lẫn với rôm sẩy, bác sĩ Liên khuyến cáo.
|