Xông lá có thể giúp giảm các triệu chứng như cảm, sốt, ngạt mũi,... nhưng không phải là phương pháp điều trị COVID-19.
Dịch COVID-19, nhiều trường hợp điều trị tại nhà bằng giải pháp tự xông hơi bằng các loại lá cây. Để hiểu rõ hơn về giải pháp xông hơi, bác sĩ Phan Thanh Hải, Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM chia sẻ một số lưu ý khi xông đối với những người mắc COVID-19:
Gừng, sả thường được người dân dùng để xông hơi trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: NGUYÊN VÕ
Theo bác sĩ Phan Thanh Hải, xông hơi là giải pháp từ lâu nay người dân đã áp dụng để trị cảm, sốt, ho,… Vì vậy, giải pháp xông hơi chỉ có tác dụng giảm triệu chứng hô hấp, giúp người bệnh đỡ ngạt mũi, khô họng,..., không có tác dụng ngăn ngừa, chữa khỏi bệnh COVID-19.
COVID-19 bùng phát, người dân cũng áp dụng phương pháp xông hơi để giảm triệu chứng. Các phương pháp xông hơi thường được áp dụng là xông hơi toàn thân hoặc xông hơi từng vùng cơ thể.
“Theo đông y, xông hơi là giải pháp có thể giúp giải cảm, tinh dầu trong một số loại lá xông như gừng, sả, bạc hà, kinh giới,… có tác dụng sát khuẩn đường hô hấp trên (mũi, hầu, họng) và làm giãn những mao mạch làm cho máu lưu thông, máu lưu thông tốt cũng là một yếu tố chống viêm, chống phù nề ở niêm mạc mũi, họng”- Bác sĩ Hải chia sẻ.
Một lưu ý thêm là khi xông người dân phải cẩn thận, tránh bị bỏng nếu tiếp xúc với nước nóng. Thời gian xông khoảng 10-15 phút, sau đó lau mồ hôi. Mỗi ngày xông từ khoảng 1-2 lần là đủ, do khi xông sẽ ra mồ hôi, từ đó dẫn đến mất nước, nếu xông nhiều quá có thể gây kích ứng, làm giãn mao mạch ở mũi, họng nhiều sẽ không tốt.
Để đảm bảo sức khỏe, người dân không nên chọn những loại lá xông hay thuốc xông không rõ nguồn gốc, không biết đó là loại lá gì “Việc xông bằng lá gì thì tùy theo bệnh viện, phòng khám kê đơn. Đối những lá lạ, người dân không biết là lá gì thì không nên sử dụng”- bác sĩ Hải chia sẻ.