Mít vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe, ngọt mà không gây béo, nhưng nếu mắc phải những sai lầm khi ăn mít, bạn sẽ nổi mụn, rối loạn tiêu hóa... Hàm lượng đường trong mít rất cao, nếu ăn vào lúc đói có thể gây tăng đường huyết đột ngột khiến hoa mắt chóng mặt.
Mít chứa rất nhiều vitamin A, C, canxi, kali, magiê và nhiều chất dinh dưỡng khác rất có lợi cho sức khỏe. Trừ lớp vỏ gai, phần còn lại của quả mít hầu như đều ăn được.
Lợi ích khi ăn mít
Tăng cường hệ miễn dịch
Mít là loại trái cây có nguồn vitamin C tuyệt vời, nên giúp tăng cường hệ miễn dịch rất hiệu quả.
Chống lại bệnh ung thư
Ngoài vitamin C, mít còn rất giàu các chất dinh dưỡng thực vật như ignans, isoflavones và saponins. Đây là những loại chất có đặc tính chống ung thư và chống lão hóa.
Tốt cho hệ tiêu hóa
Loại quả này chứa các chất có thuộc tính chống loét và rối loạn tiêu hóa. Bên cạnh đó, mít cũng chứa rất nhiều chất xơ, vì vậy chúng giúp ngăn ngừa táo bón và đi tiêu dễ dàng hơn. Loại chất xơ này cũng có tác dụng loại bỏ các màng nhầy bám ở ruột, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột già (đại tràng).
Tốt cho mắt và da
Mít có chứa nhiều vitamin A, một loại chất dinh dưỡng có tác dụng rất lớn trong việc duy trì sức khỏe của đôi mắt và làn da. Loại quả này có tác dụng ngăn ngừa các bệnh liên quan đến mắt như thoái hóa điểm vàng và bệnh quáng gà.
Bổ sung năng lượng
Mít được coi như là một trái cây giàu năng lượng do sự hiện diện của các loại đường như fructose và sucrose. Những loại đường này có thể giúp cơ thể bổ sung năng lượng gần như ngay lập tức. Trong khi đó, mít lại không chứa chất béo bão hòa, cholesterol.
Tốt cho huyết áp và tim mạch
Kali chứa trong mít được chứng minh là có tác dụng hạ huyết áp. Vì vậy, ăn mít thường xuyên là cách để làm giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Tốt cho sức khỏe xương
Mít rất giàu magiê, một chất dinh dưỡng quan trọng trong việc hấp thụ canxi và kết hợp với canxi để giúp xương chắc khỏe, ngăn ngừa các rối loạn liên quan đến bộ phận này.
Ngăn ngừa thiếu máu
Mít cũng chứa nhiều chất sắt, giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu và kiểm soát việc giúp lưu thông máu trong cơ thể. Đối với những người ăn kiêng, mít là loại trái cây tuyệt vời để ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt mà không sợ bị béo phì.
Sai lầm khi ăn mít
Ăn mít khi đang đói
Hàm lượng đường trong mít rất cao, nếu ăn vào lúc đói có thể gây tăng đường huyết đột ngột khiến hoa mắt chóng mặt. Đồng thời gây hại dạ dày dẫn đến các chứng đầy bụng, khó tiêu dễ gây bệnh dạ dày.
Phụ nữ mang thai
Nếu bạn đang mang thai thì không nên ăn nhiều mít, nếu bạn muốn ăn chỉ nên ăn khoảng 3-4 múi mà thôi. Bởi mít gây nóng trong không tốt với mẹ bầu dễ làm cho mẹ bầu cảm thấy đầy bụng khó chịu, rối loạn tiêu hóa.
Ngoài ra, với những nam giới đang muốn sinh con thì không nên ăn nhiều mít bởi mít sẽ làm giảm bớt ham muốn của đàn ông.
Ăn quá nhiều mít
Mít là một loại quả thơm ngon ngọt lịm nên ai cũng thích ăn. Tuy nhiên bạn không nên ăn quá nhiều bởi chúng có thể gây hại cho sức khỏe của bạn, bởi mít gây nóng trong người, đầy bụng và dễ gây mụn nhọt lở loét cho bạn. Vì vậy, một trong những nguyên tắc hàng đầu của việc ăn mít là không ăn nhiều mít cùng lúc.
Mỗi lần ăn mít, bạn chỉ nên ăn 80-100g mít tươi, tương đương 4-5 múi để không gây nóng gan thận, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Ăn mít trước khi đi ngủ
Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì bạn chỉ ăn mít sau 1-2 giờ sau khi ăn bữa chính và không nên ăn vào buổi tối. Nếu bạn ăn buổi tối do mít chứa hàm lượng đường cao, sẽ khiến cơ thể bị đầy bụng, khó tiêu ảnh hưởng tới giấc ngủ của bạn.
Bên cạnh đó, khi bạn ăn mít vào buổi tối là lúc cơ thể cần nghỉ ngơi nên việc tiêu hóa gặp chút khó khăn khiến bạn ngủ dậy vào sáng hôm sau vẫn cảm thấy mệt mỏi không tỉnh táo.
Những người không nên ăn mít
Người bị gan nhiễm mỡ, tiểu đường, suy thận mạn tính, người bị suy nhược, sức khỏe yếu...cần thận trọng khi ăn mít. Người bị tiểu đường và gan nhiễm mỡ cần tuyệt đối kiêng mít.
Những người đang muốn mang thai nên tránh ăn mít bởi chúng có thể gây giảm ham muốn tình dục, giảm cảm giác khi được kích thích tình dục và giảm khả năng, sức lực ở nam giới.
Trẻ em bị mụn nhọt, rôm sẩy cũng hạn chế không nên ăn do lượng đường trong máu cao thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh ngoài da phát triển như liên cầu, tụ cầu ...
Cách nhận biết mít chín ép và mít chín cây
- Mít chín cây khi bổ ra ít mủ và không có mủ trắng. Trong khi đó mít tiêm thuốc có những dòng mủ trắng chảy ra từ trong ruột mít, do tác động của thuốc.
- Mít chín thường có mùi thơm đặc trưng của mít. Mít tiêm thuốc thì không có mùi thơm, thậm chí là không có mùi gì.
- Đối với mít chín cây, múi mít có màu vàng óng, cùi dày, vị ngọt bùi, xơ mít màu vàng nhạt hoặc màu trắng. Mít chín ép thì hoàn toàn ngược lại, múi vẫn vàng nhưng ăn cảm giác bị sượng, xơ mít màu vàng đậm như múi mít.
- Quả mít chín tự nhiên thì thân thường rất mềm. Mắt mít nở to, gai không nhọn và thưa hơn so với lúc mít còn xanh. Trong khi đó quả mít chín ép có gai nhọn, rất cứng và dày.