Nhóm khoa học gia Mỹ khẳng định có một cấu trúc dạng bong bóng đang bọc lấy Mặt Trời và toàn bộ các hành tinh của nó, tất nhiên bao gồm Trái Đất.
Bong bóng này hoàn toàn không có nghĩa ẩn dụ, mà là bong bóng thật, nghĩa đen, theo khẳng định từ giáo sư thiên văn học Merav Opher từ Đại học Khoa học và nghệ thuật Boston và Trung tâm Vật lý vũ trụ (thuộc Đại học Boston), người dẫn đầu nghiên cứu.
Giáo sư Opher và các cộng sự đã sử dụng một mô hình máy tính đặc biệt, kết hợp với dữ liệu từ tàu Voyager 1 của NASA, một tàu vũ trụ đã lang thang đến tận vùng rìa của hệ Mặt Trời.
Cấu trúc dạng bong bóng kỳ lạ theo mô tả của nhóm nghiên cứu, khiến các tia vũ trụ (màu đỏ) phải uốn mình né tránh - Ảnh: Merav Opher
Theo nhà vật lý thiên văn James Drake từ Đại học Maryland (Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu, cấu trúc bong bóng này do Mặt Trời tạo ra, bằng các tia phản lực mạnh mẽ, bảo vệ các hành tinh bằng cách ngăn các tia vũ trụ khốc liệt trong thiên hà đi vào nhật quyển.
Mô hình của họ cho thấy các hạt hydro trung tính phát ra ở khu vực bên ngoài hệ Mặt Trời đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành bong bóng nhật quyển này. Tia phản lực của Mặt Trời đụng độ với các tia vũ trụ trong thiên hà, tạo nên một cấu trúc như tường thành, vô hình và ổn định, khiến các tia vũ trụ phải uốn mình né tránh nhật quyển, theo tờ Phys.org.
Hình dáng của bong bóng này vẫn gây tranh cãi dù nhiều nhóm nghiên cứu khác cũng đang cố chứng minh sự tồn tại của nó. Nhóm nghiên cứu của giáo sư Opher cung cấp một hình ảnh một bong bóng méo mó, trong khi một số mô hình khác từ các nhóm nghiên cứu khác cho thấy nó có thể có hình dáng thuôn dài hơn hoặc có đuôi như sao chổi.
Nghiên cứu vừa công bố trên Astrophysical Journal.