05/12/20
Hiện tại, thi thể của người bệnh đã trở nên quá tải tại khắp các cơ sở y tế, xe tải đông lạnh và nhà xác tạm thời ở những điểm nóng dịch bệnh ở Mỹ.
Chật kín thi thể
Những ngày gần đây, ông Wilson Mak, quản lí của Dịch vụ Mai táng Ng Fook, không thể ngủ ngon sau những ngày làm việc liên tục trong 14 giờ đồng hồ. Hình ảnh của những người qua đời do COVID-19 vẫn ám ảnh ông.
"Khi nhắm mắt lại, tôi vẫn thấy những hình ảnh đó hiện rõ trước mặt. Thật không thể chịu nổi," ông nói.
Những nhà tang lễ của Ng Fook chỉ là một vài trong số những cơ sở thực hiện hoạt động mai táng ở Mỹ. Hiện tại, thi thể của người bệnh đã trở nên quá tải tại khắp các cơ sở y tế, xe tải đông lạnh và nhà xác tạm thời ở những điểm nóng dịch bệnh ở Mỹ.
Vì lí do đó, chính quyền buộc phải đưa lượng thi thể quá tải tới những nhà xác và dịch vụ mai táng khác ở ngoài khu vực. Tại bang New York, nơi có khoảng 30.000 ca tử vong do virus corona , việc xử lí xác bệnh nhân đã trở thành vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết.
"Các nghĩa trang, nhà hỏa táng đều chật kín. Bệnh viện không muốn lưu giữ thi thể. Chúng tôi bị mắc kẹt ở giữa. Tôi chưa bao giờ làm việc vất vả như thế trong đời mà vẫn không thể xong việc," ông Mak nói.
Tới nay, hơn 1.3 triệu người Mỹ đã nhiễm bệnh và hơn 80.000 người tử vong. Mặc dù tổng thống Mỹ Donald Trump đã ca ngợi nỗ lực ứng phó của chính quyền, thì chính phủ liên bang Mỹ cũng đã đặt mua thêm 100.000 túi đựng xác và 200 xe trữ thi thể.
Các nhà xác ở thành phố New York gặp khó khăn vì không thể đặt được chỗ tại nghĩa trang và các nhà xác. Đầu tháng này, các quan chức y tế đã thu hồi giấy phép hoạt động của một nhà xác ở Brooklyn sau khi một số người sinh sống gần đó phàn nàn về mùi hôi thối và những giọt nước chảy ra từ hai xe tải đông lạnh đang chứa những thi thể người bệnh đang phân hủy.
"Tôi chắc chắn rằng không chỉ có một nhà tang lễ phải chứa xác trong các xe tải. Chẳng qua nhiều người chưa phàn nàn," ông Mak cho hay.
Ông Mak cũng kể lại một lần gần đây khi quan tài bị ghi nhầm tên. "Ơn Chúa, may mắn là chỉ có bảng tên bị ghi sai. Chúng ta đều mắc sai lầm. Nhưng một thi thể bị ghi sai tên thì có nghĩa là hai thi thể bị sai. May mắn là chúng tôi không hỏa thiêu nhầm người".
Vượt qua khó khăn
Tại một số nghĩa trang, các quy tắc mới đã khiến người thân của người qua đời phải nhìn việc chôn cất từ xa. Nhiều nhà xác thiêu thi thể 24/7 và yêu cầu không sử dụng quan tài gỗ - thứ khiến thời gian thiêu lâu hơn những vật liệu khác như vải hoặc mảnh ván.
Số lượng thi thể mà nhà tang lễ Hannemann ở Nyack, phía bắc thành phố New York, phải xử lí tăng lên 500%. Lần đầu tiên trong 36 năm qua, ông chủ Keith Taylor buộc phải từ chối nhận thêm đơn đặt hàng.
"Đó là điều đau lòng, nhưng việc nhận thêm quá mức có thể xử lí sẽ chẳng đem lại điều tốt đẹp cho ai cả. Tôi không thể chôn tất cả mọi người một lúc. Tôi cũng không cần tiền tới mức đó".
Điều khó khăn hơn là khi một gia đình có nhiều người tử vong gần nhau.
"Chúng tôi từng chứng kiến một gia đình 3 người tử vong chỉ trong vòng 8 ngày. Đó là điều không thể tin nổi," một chủ nhà tang lễ chia sẻ.
Ng Fookith là một trong số ít các nhà tang lễ thành phố vẫn cung cấp đầy đủ các dịch vụ mặc dù họ phải xử lý 100 tang lễ mỗi tuần - tăng từ 25 đám tăng vào thời điểm bình thường - bao gồm các nghi lễ liên quan tới thực phẩm, ướp xác, để quan tài mở hoặc nghi lễ chôn cất.
Nhưng hiện tại, tất cả các dịch vụ này đều đã được cắt bỏ bởi các tiệm hoa đều đóng cửa, các nhà sư e ngại tới để đọc kinh và không thể nào sắp xếp ngày đẹp cho việc mai táng.
"Khi các nhà hàng đóng cửa, chúng tôi không thể mua được thịt gà, thịt lợn hay gạo. Chúng tôi phải nấu các món đồ ăn chay," ông Mak nói.
Trong lúc đó, các ca tử vong do ung thư, bệnh về tim và những nguyên nhân khác vẫn không giảm xuống, khiến các gia đình cảm thấy lo lắng vì kế hoạch tang lễ cho người thân sẽ bị ảnh hưởng. "Trong ngành này, công việc không bao giờ có điểm dừng," ông Mak nonis.
Mặc dù nguy cơ lây nhiễm bệnh từ thi thể là khá thấp, các nhà nghiên cứu tại Thái Lan cho biết đã ghi nhận những trường hợp nhiễm bệnh COVID-19 từ thi thể. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến nghị không nên ôm và hôn thi thể người đã khuất.
Các nhân viên nhà xác cũng thường phải xịt khử trùng và nhét bông vào miệng và mũi tử thi để ngăn khí thoát ra từ phổi.
"Không ai nghĩ tới cảnh này cả. Nhưng chúng ta vẫn phải tiến bước và chiến đấu," ông Mak chia sẻ.
TĐ