Một đột phá y học mới từ các nhà khoa học Mỹ. Phương pháp EPR vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, nhưng hứa hẹn đem lại nhiều hi vọng cho các trường hợp bị thương nặng, những người khả năng sống chỉ còn dưới 5%.
Các nhà khoa học Mỹ vừa "thay máu" thành công một bệnh nhân theo phương pháp dự phòng và hồi sức khẩn cấp hay còn gọi là EPR.
Giáo sư Samuel Tisherman, một thành viên của nhóm nghiên cứu, đã mô tả thử nghiệm "thay máu" trong một hội nghị chuyên đề gần đây do Viện hàn lâm khoa học New York tổ chức.
Mục đích ban đầu của thử nghiệm nhằm giúp hạn chế tổn thương cho não, kéo dài thời gian cho những trường hợp bị thương nặng, tim ngừng đập và mất hơn 1/2 lượng máu do bị đâm hoặc súng bắn.
Khi tim ngừng đập và máu ngừng lưu thông, não sẽ nhanh chóng bị thiếu oxy, do đó có thể chịu những tổn thương không thể khắc phục chỉ sau khoảng 5 phút.
Các nhà khoa học cũng tính toán: một khi được thay máu, hoạt động của não sẽ xuống mức thấp, ít bị tổn thương và các bác sĩ sẽ có thêm ít nhất 1 tiếng để cứu những người này.
Quá trình này bao gồm việc làm lạnh nhanh bộ não của người bệnh xuống dưới 10 độ C bằng cách bơm nước muối lạnh trực tiếp vào máu thông qua động mạch chủ, động mạch chính đi từ tim đến phần còn lại của cơ thể.
Các cuộc phẫu thuật sẽ được tiến hành ngay sau đó, tranh thủ từng phút quý giá. Bệnh nhân sẽ được làm ấm lại thân nhiệt, sau đó để bảo đảm các hoạt động trao đổi chất diễn ra bình thường.
Nhóm của ông Tisherman sẽ tiếp tục thử nghiệm EPR trên khoảng 20 người nữa đến cuối năm nay. Kết quả chính thức sẽ được công bố trong năm sau, theo báo The Guardian ngày 20-11.
Những thí nghiệm trên động vật như heo cho thấy: EPR có hiệu quả nhưng tỉ lệ thành công chưa đạt tới 100%. Giáo sư Tisherman không nói rõ tình trạng của bệnh nhân sau khi được "thay máu" trong hội nghị ở New York.
"Chúng tôi cảm thấy đã tới lúc nên áp dụng công nghệ này cho các bệnh nhân của mình. Chúng tôi vẫn đang làm và rút kinh nghiệm trong quá trình thử nghiệm. Chúng tôi chỉ cố gắng mua thêm thời gian sự sống cho người bệnh", ông Tisherman chia sẻ với tạp chí New Scienceist.
Một biến chứng của phương pháp này là các tế bào của bệnh nhân có thể bị tổn thương trong quá trình làm ấm làm cơ thể bệnh nhân.
Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành dựa trên ý tưởng làm chậm quá trình trao đổi chất có thể giúp kéo dài thời gian sinh học cho những người bị thương nặng, tăng cơ hội sống sót.
Các nhà khoa học của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ cho rằng việc đóng băng con người và hồi sinh sau đó trong các sứ mệnh không gian sâu thẳm là điều không tưởng.
Tuy nhiên, họ tin rằng việc làm giảm quá trình trao đổi chất trong cơ thể của các phi hành gia có thể giúp ích trong những chuyến du hành giữa các vì sao.