Grab sẽ mở rộng thêm dịch vụ chở khách bằng xe máy điện tại TP.HCM từ cuối năm nay. Vậy là người dùng lại có thêm sự lựa chọn ngoài xe máy và ô tô.
Hôm nay (31/10), Sở GTVT TP.HCM và Grab Việt Nam vừa chính thức ký kết hợp tác xây dựng hệ thống giao thông thông minh. Theo biên bản ghi nhớ hợp tác vừa được ký kết, Grab Việt Nam sẽ chia sẻ thông tin dữ liệu cho Sở GTVT và cùng phân tích đưa ra giải pháp phối hợp xử lý trật tự an toàn giao thông trên các phương tiện tham gia hợp tác cùng Grab lưu thông trên địa bàn TP.HCM đóng góp thêm cho việc cải thiện thực trạng giao thông thành phố. Các thông tin dữ liệu được chia sẻ cho các công việc hợp tác liên quan được đề cập trong phạm vi hợp tác.
Grab Việt Nam cam kết chia sẻ thông tin (các phương tiện ứng dụng phần mềm Grab, hành trình di chuyển của các phương tiện) để Sở GTVT tạo cơ sở dữ liệu liên quan đến tình hình giao thông; phục vụ cho việc phân tích, mô phỏng và dự báo tình hình giao thông trên từng tuyến đường. Đồng thời, hai bên cũng tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng về giao thông thông minh, hướng tới xây dựng ý thức sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Đáng chú ý, trong biên bản hợp tác, Sở GTVT TP.HCM và Grab Việt Nam cũng thống nhất nghiên cứu triển khai thí điểm hình thức vận chuyển hành khách bằng xe máy điện tại một số khu vực trung tâm thành phố trong giai đoạn quý IV năm 2019 và xem xét tiến đến triển khai mở rộng vào cuối năm 2020 trên địa bàn thành phố.
Mô hình xe điện cho thuê tự lái cũng sẽ được nghiên cứu khả năng triển khai trong tương lai gần, phù hợp với định hướng phát triển giao thông vận tải của TP.HCM.
Ngoài ra, hai bên nghiên cứu phương án kết nối các dịch vụ vận chuyển hiện tại trên ứng dụng Grab với hệ thống giao thông công cộng hiện có của thành phố, kết hợp giữa GrabBike/GrabCar với các tuyến xe buýt công cộng cũng như hệ thống buýt đường thủy của thành phố. Đồn thời cũng đề xuất khai thác vận tải hành khách công cộng bằng phương tiện sử dụng năng lượng điện, tham gia nghiên cứu Đề án phát triển loại hình mini buýt để tăng cường năng lực vận tải hành khách công cộng.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP. HCM cho biết: Để đảm bảo nhu cầu đi lại tốt hơn của người dân, thì việc ứng dụng khoa học công nghệ là vô cùng quan trọng. Đảng, Chính phủ cũng như thành phố đã có định hướng rõ ràng về xây dựng các "Đô thị Thông minh" và giao thông thông minh. Với quy mô ở tầm khu vực, Grab đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề về di chuyển ở Singapore, Thái Lan, Indonesia. Chúng tôi ghi nhận khả năng của Grab trong việc chia sẻ dữ liệu ẩn danh về hành vi đi lại của người dân và về phát triển các giải pháp về kết nối di chuyển. Chúng tôi đánh giá cao việc Grab không chỉ quan tâm đến phát triển công nghệ, mà còn quan tâm đến phát triển các giải pháp về giao thông thân thiện với môi trường, cụ thể là xe điện. Thoả thuận hợp tác này chỉ là bước đầu, và sẽ còn cần thêm nhiều các bước triển khai tiếp theo. Thành phố luôn luôn đón chào các ý tưởng mới, đột phá của Grab để góp phần giải quyết các vấn đề về giao thông".
Về phía mình, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam cho biết: Chúng tôi sẽ đóng góp vào Đề án giao thông thông minh của Sở GTVT bằng cách sử dụng dữ liệu để hỗ trợ lãnh đạo thành phố đưa ra các quyết định về quy hoạch nhằm cải thiện các vấn đề hiện tại như ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Chúng tôi cũng sẽ tìm cách phát triển các phương tiện vận chuyển thân thiện với môi trường, ví dụ như xe điện, để đóng góp vào các giải pháp di chuyển bền vững, thân thiện với môi trường.
Không chỉ tại Việt Nam, các mô hình hợp tác công - tư đã được Grab triển khai ở nhiều quốc gia trong khu vực. Grab cho biết đã hợp tác với các cơ quan quy hoạch đô thị và phân tích dữ liệu để phân tích các hình thái giao thông từ dữ liệu GPS thu thập ẩn danh từ các chuyến đi, từ đó giúp người dân tiếp cận tới các dịch vụ vận chuyển công cộng và tư nhân tốt hơn.