Nỗi ấm ức về bất bình đẳng thúc đẩy biểu tình ở Chile. Chưa bao giờ Chile rơi vào cảnh tượng này. Chế độ độc tài sup đổ nhưng tổng thống nước này vẫn lạc quan.
Ông Pinera, một cựu doanh nhân tỷ phú, tuyên bố Chile "đang dẫn đầu bảng xếp hạng tăng trưởng ở Mỹ Latin" và ca ngợi triển vọng đất nước trong một cuộc phỏng vấn, dù ông thừa nhận chính phủ "cần nỗ lực rất nhiều để chăm lo cho toàn bộ người dân".
Tuy nhiên, Pinera không ngờ rằng cuộc biểu tình phản đối tình trạng bất bình đẳng lại xảy ra nhanh chóng và bạo lực đến vậy. Thủ đô Santiago rung chuyển bởi bạo loạn, cướp bóc và đốt phá sau khi giá vé tàu điện ngầm tăng 3%, lên mức 1,17 USD/vé/chuyến vào giờ cao điểm.
Bộ trưởng Nội vụ Chile Andres Chadwick cho biết khoảng 70 sự cố "bạo lực nghiêm trọng" xảy ra trong ngày 20/10, trong đó có tới 40 vụ cướp siêu thị và cửa hàng. Nhiều người biểu tình đốt xe buýt, phá hủy các trạm tàu điện ngầm và đụng độ với cảnh sát chống bạo động, khiến giao thông đình trệ. Chính phủ phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại nhiều địa phương và quyết định đình chỉ việc tăng giá vé.
Người biểu tình nhảy lên chướng ngại vật trên đường phố ở thủ đô Santiago, Chile hôm 22/10. Ảnh: Reuters.
Các cuộc biểu tình được cho là bộc lộ nỗi tức giận sâu sắc của người dân Chile đối với một hệ thống bất bình đẳng, gạt họ ra bên lề những thành tựu kinh tế đáng kể của đất nước trong những thập kỷ gần đây.
"Liệu điều này có thực sự cần xảy ra để các chính trị gia ngừng cướp tiền của người dân hay không?", một phụ nữ trả lời phỏng vấn trong lúc dọn dẹp một trong các ga tàu điện ngầm ở Santiago bị người biểu tình phá hoại.
"Điều gì đó sâu sắc đang diễn ra tại Chile. Sự việc không dừng lại ở một lũ trẻ bạo lực, mà đây chỉ là phần đỉnh của tảng băng trôi", Marta Lagos, nhà phân tích chính trị tại Santiago, nhận định. Bà cho rằng một bộ phận lớn người dân Chile cảm thấy bị bỏ lại phía sau, trong khi chính phủ không nhận thức được tình trạng bất bình đẳng mức độ cao và việc làm bấp bênh đã tác động thế nào đến xã hội.
"Pinera nghĩ rằng các cuộc biểu tình là vấn đề về an ninh, bạo lực và cướp bóc. Ông ấy không nhận ra rằng nỗi ấm ức sâu thẳm trong xã hội vẫn sẽ tồn tại. Chúng không thể được cải thiện bằng lệnh giới nghiêm", chuyên gia giải thích, đề cập tới biện pháp khẩn cấp được tiến hành nhằm kiểm soát biểu tình hồi cuối tuần trước.
Chile là nước có chỉ số bất bình đẳng cao nhất trong số các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). "Tình trạng bất bình đẳng sâu sắc đã diễn ra tại Chile suốt nhiều năm", Javier Sajuria, giảng viên cao cấp về chính trị tại Đại học Queen Mary ở London, Anh, cho biết, nói thêm rằng dữ liệu cho thấy mức độ bất bình đẳng đang giảm nhưng "không đủ nhanh".
Biểu đồ thể hiện mức độ bất bình đẳng của một số nước OECD. Đồ họa: BBC.
Một trong những khía cạnh thể hiện sự bất bình đẳng là chênh lệch thu nhập trong xã hội. Theo một khảo sát của chính phủ Chile hồi năm 2006, 20% người giàu nhất kiếm nhiều tiền gấp 10 lần so với 20% người nghèo nhất. Tới năm 2017, con số này giảm xuống còn 8,9 lần, đồng nghĩa với việc khoảng cách giàu nghèo trên thực tế đã thu hẹp đôi chút. Tuy nhiên, một người biểu tình tên Constanza Gonzalez cho biết họ tức giận bởi tình trạng này "đã diễn ra suốt thời gian dài".
Eugenio Tironi, nhà tư vấn chính trị tại Santiago, so sánh cuộc biểu tình cuối tuần trước tại Chile với phong trào "áo vàng" ở Pháp hồi năm ngoái, sự kiện xuất phát từ việc tăng giá nhiên liệu.
"Tại Chile, nguyên nhân biểu tình không hẳn là tăng thuế bất hợp lý. Tình trạng này xảy ra thường xuyên trong quá khứ. Tuy nhiên, nó khiến người dân ý thức rõ hơn rằng tiền lương đang không theo kịp mức chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, đặc biệt là khi nợ nần gia tăng", ông giải thích.
Dù nhiều người Ecuador cũng biểu tình vì những biện pháp "thắt lưng buộc bụng" gần đây của chính quyền, Tironi cho rằng tình hình tại Chile không tương tự vậy. "Ít nhất Ecuador có các phong trào cụ thể nhằm chống lại chính phủ, còn Chile không có", chuyên gia nói, lập luận thêm rằng biểu tình ở Chile giống phong trào "áo vàng" bởi có tính tự phát và phi tập trung.
Điều này khiến lực lượng an ninh khó ngăn chặn bạo lực hơn, dù chuyên gia chính trị Patricio Navia tại Đại học New York cho rằng chính phủ đáng lẽ nên trao quyền sử dụng vũ lực khi cần thiết cho quân đội sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia hôm 19/10.
Tình trạng bạo loạn còn có khả năng làm trầm trọng thêm nạn cướp bóc mà chính phủ cựu tổng thống Chile Michelle Bachelet từng phải đối mặt sau trận động đất hồi năm 2010, Navia nói thêm. Hình ảnh trên truyền hình hồi cuối tuần trước cho thấy nhiều người đã cướp rượu, tivi, thậm chí tủ lạnh từ các cửa hàng.
Navia chỉ ra nét tương đồng giữa biểu tình ở Chile và Venezuela 30 năm trước, khi cuộc bạo loạn "Caracazo" nổ ra do giá nhiên liệu tăng cao. Cũng giống vị thế của Venezuela lúc đó, Chile hiện là "nền kinh tế ổn định nhất Mỹ Latin", nhưng tồn tại ba vấn đề là bất bình đẳng lớn, phụ thuộc chặt chẽ vào một loại mặt hàng, cùng bộ máy lãnh đạo ngày càng tham nhũng và xa rời quần chúng.
Thách thức mà Chile đang đối mặt có thể không nghiêm trọng như Venezuela 30 năm trước, nhưng Navia cảnh báo về quan điểm cho rằng việc Chile đủ tiêu chuẩn vào nhóm các quốc gia giàu có trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), có thể giúp nước này gia nhập "tầng lớp thượng lưu".
"Trên thực tế, Chile vẫn có nhiều vấn đề đặc trưng của khu vực Mỹ Latin", ông cho hay.