Những tiến bộ của Nga và Trung Quốc trong công nghệ siêu âm, khiến Mỹ đang tăng tốc thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm này để bắt kịp các nước này, sau khi bãi thử RTS gần đây thường xuyên được quân đội Mỹ lựa chọn để thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm.
Hình ảnh minh họa về mẫu vũ khí siêu vượt âm mới của Mỹ. Ảnh: Lockheed Martin.
"Hiện chúng tôi có 5 chương trình thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm ở các giai đoạn lên kế hoạch khác nhau tại bãi thử phòng thủ tên lửa đạn đạo Ronald Reagan (RTS) trên quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương", trung tướng James Dickinson, người đứng đầu Bộ tư lệnh Phòng thủ Tên lửa và Không gian Mỹ ngày 3/4 tuyên bố trong phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ.
Tướng Dickinson cho biết nhờ vị trí hẻo lánh và được trang bị hệ thống cảm biến hiện đại, bãi thử RTS gần đây thường xuyên được quân đội Mỹ lựa chọn để thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm.
Mỹ đang đẩy mạnh chương trình phát triển các phương tiện lướt siêu vượt âm nhằm cạnh tranh với Nga và Trung Quốc. Lầu Năm Góc hồi giữa tháng ba công bố đề xuất ngân sách cho năm tài khóa tiếp theo, trong đó yêu cầu khoản tiền 2,6 tỷ USD cho chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm.
Vũ khí siêu vượt âm thường có tốc độ khoảng 6.175-12.000 km/h. Về nguyên lý hoạt động, vũ khí siêu vượt âm đánh đổi tốc độ hồi quyển cực lớn của đầu đạn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa để tăng tầm bắn và khả năng lẩn tránh lưới phòng không đối phương. Trung Quốc được cho là đang dẫn đầu thế giới về công nghệ vũ khí siêu vượt âm, ít nhất là trong việc ứng dụng loại vũ khí này cho chiến trường thực tế.
Trong thông điệp liên bang hồi tháng 3/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng giới thiệu hai vũ khí siêu vượt âm, gồm tổ hợp tên lửa diệt hạm Kinzhal đủ sức đánh chìm tàu chiến từ khoảng cách 2.000 km, cùng phương tiện lướt siêu vượt âm Avangard với tốc độ gấp 27 lần vận tốc âm thanh và tầm bắn 10.000 km.