Không lâu sau khi Thủ tướng Theresa May nói đã thuyết phục thành công nội các chấp nhận dự thảo thỏa thuận Brexit thì 4 bộ trưởng đã nộp đơn từ chức và viết trong đơn rằng họ bất bình trước dự thảo thỏa thuận của Thủ tướng Theresa May.
Trong số các bộ trưởng từ chức có Bộ trưởng các vấn đề Bắc Ireland Shailesh Vara, Bộ trưởng Brexit Dominic Raab, Thứ trưởng Brexit Suella Braverman và Bộ trưởng Lao động và Hưu trí Esther McVey.
Trước đó vào tối 14/11, sau cuộc họp kéo dài gần 5 tiếng với nội các tại số 10 Phố Downing (dinh thủ tướng Anh), Thủ tướng May thông báo đã thuyết phục thành công nội các ủng hộ bản dự thảo thỏa thuận "chia tay" với Liên minh châu Âu (EU).
Diễn biến này được phía EU hoan nghênh là bước tiến mang tính quyết định, mở ra khả năng nhóm họp thượng đỉnh EU vào tháng 11 để thông qua thỏa thuận trước khi các bên trình cho cơ quan nghị viện phê duyệt. Nước Anh sẽ chính thức rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019.
Bà May khi đó không tiết lộ dự thảo có được toàn bộ các thành viên chính phủ ủng hộ hay vẫn còn các thành viên phản đối.
Bộ trưởng Lao động và Hưu trí Esther McVey rời nhiệm sở vào sáng 15/11 sau khi nộp đơn từ chức. Ảnh: PA.
"Bản dự thảo được trình trước nội các sẽ sớm được người dân cả nước phán xét. Dự thảo này đồng nghĩa chúng ta sẽ đưa cho EU 39 tỷ bảng (hơn 49 tỷ USD) cho EU mà không nhận lại được gì. Chúng ta sẽ kẹt lại trong một liên minh thuế quan, dù thủ tướng đã hứa hẹn với nhân dân Anh chúng ta sẽ không rơi vào tình cảnh đó", bộ trưởng Lao động và Hưu trí Esther viết trong đơn từ chức gửi bà May.
"Không chỉ bị trói buộc về khía cạnh này, các chính phủ trong tương lai cũng không thể theo đổi chính sách thương mại thật sự tự do. Chúng ta không lấy lại quyền kiểm soát, thay vào đó chúng ta trao quyền kiểm soát cho EU hay thậm chí một nước thứ 3. Từ chỗ thà không có thỏa thuận còn hơn có một thỏa thuận xấu, chúng ta đã đi đến vị thế thỏa thuận nào cũng được miễn không phải không có thỏa thuận", bà viết.
Trước đó, Bộ trưởng Bắc Ireland Shailesh Vara khi nộp đơn từ chức cũng chỉ trích thỏa thuận rút khỏi EU của bà May đẩy nước Anh vào tình cảnh bất định, "không có thời hạn rõ ràng khi nào chúng ta chính thức trở thành một quốc gia độc lập".
"Chúng ta là một dân tộc đầy kiêu hãnh. Hôm nay là một ngày đáng buồn khi chúng ta phải chấp nhận tuân thủ những luật lệ được viết bởi những nước khác, những người đã cho thấy rõ họ không quan tâm đến lợi ích của chúng ta", ông Vara viết.
Giải pháp "chốt chặn cuối" (backstop) cho Bắc Ireland vấp phải chỉ trích lớn nhất từ những người ủng hộ Brexit. Sau Brexit, biên giới mới được hình thành giữa Bắc Ireland và Ireland sẽ là biên giới trên đất liền duy nhất của Vương quốc Anh với các quốc gia EU.
Theo dự thảo của bà Theresa May, Anh và EU sẽ nỗ lực hết sức để đạt được một hiệp định thương mại mới 6 tháng trước khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào cuối năm 2020. EU và Anh cũng có thể gia hạn giai đoạn chuyển tiếp, nhưng không nói cụ thể là trong bao lâu.
Trong trường hợp đàm phán không thành công, Ireland và Bắc Ireland sẽ áp dụng giải pháp "chốt chặn cuối" nhằm ngăn hình thành biên giới cứng và đe dọa thành quả tiến trình hòa bình Belfast 1998. Theo đó, Anh và EU sẽ hình thành "một vùng lãnh thổ đơn nhất về thuế quan", có hiệu lực từ cuối giai đoạn chuyển tiếp cho đến khi các bên đạt được một hiệp định thương mại.
Khi một bên muốn chấm dứt "chốt chặn cuối", họ phải thông báo với bên còn lại và trình bày rõ nguyên nhân. Các bên cùng thành lập một ủy ban đặc biệt, đàm phán trong 6 tháng. Bắc Ireland chỉ được rời khỏi liên minh thuế quan nếu cả Anh lẫn EU đều chấp nhận. Chính việc nước Anh không có quyền tự quyết về Bắc Ireland đã khiến những thành viên của nhóm Brexit phẫn nộ.
VietBF © sưu tầm