Ô nhiễm quay lại, Bắc Kinh đổ lỗi cho nước hoa và keo xịt tóc. Bầu trời Bắc Kinh bị ô nhiễm do khí thải gia tăng từ hộ gia đình. Thủ đô Trung Quốc ô nhiễm lại sau 2 tháng trong xanh.
Bầu trời Bắc Kinh hôm thứ hai (trái) so với cùng một địa điểm hồi đầu tháng 9 (phải). Ảnh: SCMP.
Sáng 15/10, một làn khói mù xám xịt bao trùm thủ đô Bắc Kinh, khi chỉ số chất lượng không khí đạt mốc 213, mức ô nhiễm nặng theo phân loại của Trung Quốc, theo SCMP.
Trước đó, suốt tháng 8 và tháng 9, người dân Bắc Kinh được hưởng bầu trời xanh trong vắt và chất lượng không khí tốt nhất từ khi chính quyền bắt đầu công bố dữ liệu nồng độ bụi mịn PM2.5 có hại cho sức khỏe con người.
Trung tâm Giám sát Môi trường Bắc Kinh cho biết mức độ ô nhiễm ở thủ đô bắt đầu tăng lên mức vừa phải hôm 14/10 vì trời không có gió. Khói mù đạt đỉnh vào thứ hai trước khi tình hình cải thiện trong những ngày tiếp theo vì có một đợt gió lạnh phía bắc tràn về.
Tuy nhiên, thay vì chỉ trích cho các nhà máy đốt than đá ở ngoại ô gây ô nhiễm, chính quyền Bắc Kinh lần này đổ lỗi cho người tiêu dùng đã làm suy giảm chất lượng không khí.
Truyền thông nhà nước đăng một báo cáo hồi tháng 5 của Sở bảo vệ Môi trường Bắc Kinh, cho hay khí thải hộ gia đình, từ nấu ăn tới keo xịt tóc, nước hoa và xịt phòng, chiếm 12% tổng lượng phát thải của thành phố, ngang với lượng khí phát thải công nghiệp.
Shi Aijun, viện phó Viện khoa học Môi trường Bắc Kinh, cho biết lượng phát thải hàng ngày đang tăng nhanh, đặc biệt là các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) thải vào không khí qua các sản phẩm nước hoa, keo xịt tóc và xịt phòng.
Tuy nhiên, Peng Yingdeng, nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Bảo vệ Môi trường Bắc Kinh nhận định rất khó để đo lường tác động của những sản phẩm này tới chất lượng không khí bởi VOC không phải là chất gây ô nhiễm và chỉ sản sinh PM2.5 sau phản ứng hóa học. "Hiện tại, chúng tôi chỉ có thể tính toán dựa trên ước tính từ việc sử dụng các sản phẩm này", Peng nói.
Theo truyền thông nhà nước, phát thải cục bộ chiếm 2/3 lượng khí thải ô nhiễm tại Bắc Kinh năm ngoái, phần còn lại do phát thải ở các vùng lân cận. Khói xe là thủ phạm gây ô nhiễm lớn nhất, tiếp theo là các hộ gia đình góp phần gây mức độ ô nhiễm tương tự các nhà máy.
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc sẽ không thực hiện các biện pháp hạn chế ô nhiễm mùa đông này quyết liệt như năm ngoái, trong bối cảnh Trung Quốc đang vật lộn với tình trạng tăng trưởng kinh tế chững lại và cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Mùa đông năm ngoái, chính phủ đã ra lệnh đóng cửa các nhà máy công nghiệp ở khu vực Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc để giảm ô nhiễm. Nhưng tháng trước, Bộ Sinh thái và Môi trường thông báo sẽ cho phép các nhà máy thép tiếp tục sản xuất, miễn là tiêu chuẩn khí thải đáp ứng đủ điều kiện.
Bộ này cũng sửa mục tiêu giảm phát thải tổng thể cho khu vực này và các vùng lân cận vào mùa thu và mùa đông năm nay, với 28 thành phố dự kiến giảm mức PM2.5 khoảng 3% so với năm trước, thấp hơn 5% so với kế hoạch đề xuất hồi tháng 8.