Nga nói Liên Hợp Quốc nên dỡ bỏ lệnh trừng phạt Triều Tiên. Hội đồng Bảo an cần xem xét việc này theo ý kiến của đại sứ Nga. Bình Nhưỡng cam kết phi hạt nhân hóa sau hội nghị thượng đỉnh Kim - Trump.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore hôm 12/6. Ảnh: AFP.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Triều Tiên, đại sứ Nga Vassily Nebenzia cho rằng sau khi Bình Nhưỡng đạt thỏa thuận với Washington về việc hủy bỏ chương trình hạt nhân, việc Liên Hợp Quốc "cân nhắc các biện pháp theo hướng đó là chuyện tự nhiên", theo AFP.
"Mọi tiến triển đều cần đến từ hai phía", ông nói. "Đương nhiên là bên kia muốn được cổ vũ để tiếp tục tiến lên".
Trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên hôm 12/6 ở Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cam kết hướng tới "phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên" trong tuyên bố chung.
Mỹ, Nhật Bản và châu Âu vẫn duy trì lệnh trừng phạt tới khi Triều Tiên hoàn toàn phá hủy chương trình vũ khí. Nga và Trung Quốc lập luận rằng cần đưa ra cách tiếp cận từng bước, dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt để đổi lấy hành động cụ thể từ Bình Nhưỡng trong lộ trình phi hạt nhân hoá.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến thảo luận về kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Tuy nhiên, ông Nebenzia, người đang giữ chức chủ tịch hội đồng trong tháng này, cho biết chưa có lịch họp cụ thể.
Nhiều nhà ngoại giao nhận định việc Liên Hợp Quốc gia tăng trừng phạt là yếu tố quyết định gây áp lực buộc Kim Jong-un đồng ý đàm phán chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Đại sứ Hà Lan Karel van Oosterom, người đứng đầu ủy ban trừng phạt Triều Tiên của Liên Hợp Quốc, cho hay các biện pháp trừng phạt vẫn đang áp dụng toàn diện. Năm ngoái, Hội đồng Bảo an đã áp đặt ba vòng trừng phạt kinh tế khắt khe với Triều Tiên, cấm hầu hết các hoạt động xuất khẩu nguyên liệu thô của nước này, đồng thời hạn chế nghiêm ngặt các nguồn cung dầu mỏ cho Triều Tiên.