Vietbf.com - Hàng loạt cây to như xe buýt có tuổi 1.100 đến 2.500 năm đã chết bí ẩn ở châu Phi, bởi 9 trong số 13 cá thể lâu đời nhất đã chết, hoặc ít nhất là các bộ phận cổ nhất của chúng đã chết trong 12 năm qua, do hiện tượng cây chết hàng loạt này có thể là hậu quả của biến đổi khí hậu.
Một cây bao báp ở Nam Phi
Nhiều cây bao báp to nhất và cổ nhất châu Phi đã chết đột ngột trong thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu cho biết.
Các cây chết toàn bộ hoặc một phần, có tuổi từ 1.100 đến 2.500 năm. Trong đó, một vài cây to như xe buýt.
Hiện tượng cây chết hàng loạt này có thể là hậu quả của biến đổi khí hậu, theo các nhà nghiên cứu.
"9 trong số 13 cá thể lâu đời nhất đã chết, hoặc ít nhất là các bộ phận cổ nhất của chúng đã chết trong 12 năm qua", các nhà khoa học viết trên tạp chí Nature Plants, mô tả đây là “sự kiện chưa từng thấy”.
"Việc rất nhiều cây nghìn tuổi chết chắc chắn là một sự kiện sốc và bi thương", đồng tác giả nghiên cứu, Adrian Patrut đến từ Đại học Babeș-Bolyai ở Romania, cho biết.
Trong số 9 cây chết có 4 cây lớn nhất châu Phi. Trong khi nguyên nhân chết vẫn chưa rõ, các nhà nghiên cứu nghi ngờ hiện tượng này có thể liên quan đến sự thay đổi đáng kể của điều kiện khí hậu ảnh hưởng đến Nam Phi.
Từ năm 2005 đến năm 2017, các nhà nghiên cứu đã theo dõi khoảng 60 cây bao báp. Họ phát hiện ra hầu hết các cây lâu đời nhất và lớn nhất đã chết trong thời gian nghiên cứu. Tất cả cây chết nằm ở các quốc gia ở miền nam châu Phi như Zimbabwe, Namibia, Nam Phi, Botswana và Zambia.
Bao báp là cây có hoa lớn nhất và sống lâu nhất thế giới, theo nhóm nghiên cứu. Chúng có thể sống đến 3.000 năm tuổi, theo trang web của Vườn quốc gia Kruger ở Nam Phi.