Hôm 12/1, Trung Quốc phóng tên lửa đưa 2 vệ tinh Beidou-3 (Bắc Đẩu-3) lên vũ trụ. Sau đó Trung Quốc đã tuyên bố thành công mỹ mãn. Thế nhưng một phần tên lửa đẩy Trường Chinh 3B rơi xuống mặt đất và phát nổ gần một thị trấn ở Thiên Đẳng, thuộc khu tự trị Quảng Tây, Trung Quốc. Người dân hú hồn vì nếu trúng khu dân cư thì hậu quả không biết ra sao.
Trong khi thế giới còn đang hồi hộp với khả năng trạm vũ trụ quá đát của Trung Quốc rơi về khí quyển (chưa biết xuống đâu) vào tháng 3 tới thì một vụ việc được ghi hình lại đã khiến người ta không khỏi rùng mình.
Trong video, một vật thể hình trụ (sau đó được giải thích là 1 trong 4 ống phóng phụ của tên lửa đẩy Trường Chinh 3B) rơi xuống từ trên cao và phát nổ, tạo ra đám cháy khá lớn ở phía không xa khu dân cư, theo báo Le Figaro của Pháp.
Một số người chứng kiến sự việc ghi lại cảnh tượng này và đăng lên mạng xã hội nên khiến không ít người lo lắng lẫn phẫn nộ.
Theo báo cáo từ Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC), tên lửa đẩy Trường Chinh 3B rời bệ phóng từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Tây Xương ở phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên, đưa thành công hai vệ tinh Bắc Đẩu-3 phục vụ cho hệ thống định vị GPS riêng của Trung Quốc lên quỹ đạo.
Ông Andrew Jones - nhà báo tự do chuyên mảng về tàu vũ trụ Trung Quốc, kể với tờ The Verge: "Vài phút sau đợt phóng, 4 ống phóng của tên lửa tách ra và rơi xuống, trong đó có một chiếc rơi gần thị trấn Xiangdu ở Thiên Đẳng, khu tự trị Quảng Tây, cách điểm phóng khoảng 700 km. Thiên Đẳng nằm trong những khu vực rơi của các mảnh vỡ sau vụ phóng nên một số người dân địa phương chuẩn bị sẵn để ghi hình trong trường hợp tên lửa đẩy rơi xuống".
Như vậy đây là khu vực đã được xác định cho các mảnh rơi của tên lửa phóng của Trung Quốc bởi nước này không có điểm phóng vệ tinh ở gần biển để cho mảnh vỡ có thể rơi xuống đại dương.
Vấn đề là trong vụ mảnh vỡ rơi xuống lần này, nó đã gây vụ cháy và nổ theo hình ảnh người dân địa phương ghi nhận lại được.
Phần ống phóng này còn bốc cháy rừng rực do còn chứa nhiên liệu lỏng độc hại bên trong. Vào lúc phóng, các ống phóng của tên lửa Trường Chinh 3B chứa đến 41 tấn gồm hydrazine (UDMH) - một loại nhiên liệu lỏng cực độc và có thể gây ung thư cùng peroxyde Azote (N2O4), cũng độc hại và gây ăn mòn kim loại.
Phần ống phóng còn bốc cháy rừng rực khi rơi xuống đất và có thể gây nguy hại cho sức khỏe người đến gần - Ảnh: TWITTER
Trung tâm Phóng Vệ tinh Tây Xương nằm gần biên giới phía nam của Trung Quốc với Myanmar, cách biển khoảng 800 km.
Hồi cuối tháng 5-2016, báo Daily Mail từng đăng tải nhiều hình ảnh các mảnh vỡ lớn của vụ phóng tên lửa mang theo vệ tinh Ziyuan-3 vào ngày 30-5 rơi xuống khu vực sát nhà dân ở thị trấn Thiên Trụ Sơn thuộc tỉnh Sơn Tây, miền bắc Trung Quốc.
Người dân kể lại đã nghe thấy một tiếng nổ lớn khi một mảnh vỡ dài gần 2m từ tên lửa rơi xuống con đường chính chạy qua thị trấn. Một số mảnh vỡ khác sau đó cũng được tìm thấy ở các bụi rậm không xa khu vực mà người dân vẫn thường qua lại.
Người dân Trung Quốc lo âu với mảnh vỡ tên lửa còn rất to rơi xuống gần con đường dân sinh - Ảnh: CEN
Vụ việc đã được báo cáo lên chính quyền địa phương. Chính quyền ở đây sau đó đã cử người đi thu lượm các mảnh vỡ và cho rằng chúng là tài sản quốc gia cần được bảo vệ. Người dân Thiên Trụ Sơn cáo buộc chính quyền đã không giải quyết chính đáng.
Hồi tháng 8-2015, cũng tại tỉnh Sơn Tây, nhiều mảnh vỡ tên lửa cũng bất ngờ rơi xuống mái nhà của một ngôi nhà 2 tầng. Chính quyền đã buộc phải bồi thường thiệt hại cho chủ nhà sau khi thu lượm các mảnh vỡ đó.
Đống mảnh vỡ rơi xuống mặt đất của vụ phóng tên lửa ngày 30-5-2016 - Ảnh: CEN
VietBF © sưu tập