Tổng thống Trump mạnh miệng tuyên bố nút kích hoạt hạt nhân uy lực hơn nhiều của Kim Jong-un. Trong khi đó, lãnh đạo Triều Tiên cho biết nút kích hoạt hạt nhân luôn nằm trên bàn làm việc của ông. Nút bấm hạt nhân của Kim Jong-un và Trump thực sự như thế nào?
Bàn làm việc của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA.
"Toàn bộ lãnh thổ Mỹ nằm trong tầm bắn vũ khí hạt nhân của chúng ta và nút bấm hạt nhân luôn nằm trên bàn làm việc của tôi. Đó là thực tế chứ không phải là lời đe dọa", Telegraph dẫn lời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu hôm 1/1. Tuy nhiên, "nút bấm hạt nhân" được cho là biểu tượng ám chỉ sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên, chứ không phải một thiết bị thực tế.
Các cường quốc hạt nhân đều duy trì chuỗi chỉ huy trực tiếp từ lãnh đạo tới các đơn vị trực chiến. Một nút bấm đơn giản không thể truyền tải toàn bộ dữ liệu phức tạp trong tình huống sử dụng vũ khí hạt nhân như mục tiêu, số lượng vũ khí cần triển khai và xác thực mệnh lệnh từ cấp trên.
Thực tế, để kích hoạt kho vũ khí hạt nhân, các nguyên thủ phải sử dụng những hệ thống phức tạp như "valy hạt nhân" của Mỹ. Đây là một chiếc valy màu đen, làm bằng nhôm, bọc da, nặng khoảng 20 kg, bên trong không có nút bấm như nhiều người lầm tưởng. Thay vào đó, nó chứa tài liệu hướng dẫn sử dụng hệ thống phát sóng khẩn cấp, một cuốn sổ có các lựa chọn tấn công, một cuốn sổ lưu trữ các điểm trú ẩn an toàn và một thẻ xác thực danh tính của tổng thống.
Khi muốn xác nhận tấn công bằng vũ khí hạt nhân, tổng thống Mỹ phải dùng tấm thẻ ghi mã xác thực mang mật danh "bánh bích quy", cũng là vật bất ly thân của tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sau đó phải xác nhận mệnh lệnh, trước khi chuyển đến cấp dưới và tới lực lượng hạt nhân.
Valy hạt nhân luôn theo sát tổng thống Mỹ. Ảnh: CNN.
"Nút bấm hạt nhân" là cách nói hình tượng nhằm đơn giản hóa quy trình này. Có thể ông Kim Jong-un muốn hé lộ một thiết bị tương tự valy hạt nhân, dùng để chỉ huy lực lượng hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng chưa công bố hình ảnh nào về "nút bấm" của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, khiến giới phân tích đặt nghi vấn về sự tồn tại của nó.
Việc ông Kim Jong-un tuyên bố có nút bấm hạt nhân dường như thể hiện rằng Bình Nhưỡng đã hoàn tất quá trình phát triển vũ khí hạt nhân, sẵn sàng đưa vào biên chế. "Năm nay chúng ta nên tập trung vào việc sản xuất hàng loạt đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo để triển khai chiến đấu. Những vũ khí này sẽ chỉ được sử dụng nếu an ninh của chúng ta bị đe dọa", ông Kim cho biết thêm.
"Ai đó làm ơn báo với ông ta rằng tôi cũng có nút hạt nhân nhưng nó to hơn, uy lực hơn nhiều. Và nút hạt nhân của tôi hoạt động", Tổng thống Mỹ Donald Trump đáp trả trên Twitter. Điều này được hiểu là Washington đang nắm trong tay kho vũ khí hạt nhân sẵn sàng chiến đấu với quy mô lớn hơn nhiều so với Bình Nhưỡng. Quân đội Mỹ đang biên chế 6.800 đầu đạn hạt nhân các loại, được triển khai trên oanh tạc cơ, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mặt đất và tàu ngầm.
Trong khi đó, Triều Tiên được cho là đang sở hữu 10-15 đầu đạn hạt nhân, cùng nhiều loại tên lửa đạn đạo từ tầm trung đến xuyên lục địa. Nước này chưa chứng minh được khả năng phát triển đầu đạn hồi quyển trang bị hệ thống dẫn đường phức tạp, những yêu cầu tối quan trọng với ICBM. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định Bình Nhưỡng hoàn toàn đủ sức làm chủ công nghệ này trong thời gian ngắn.
Sau tuyên bố về nút bấm hạt nhân, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng tỏ ra mềm mỏng hơn trong bài phát biểu đầu năm, đề cập tới khả năng cử phái đoàn tới tham gia Thế vận hội mùa đông 2018, diễn ra tại Pyeongchang, Hàn Quốc. Đây dường như là dấu hiệu cho thấy ông Kim Jong-un muốn tập trung vào hiệu quả răn đe của vũ khí hạt nhân, thay vì sử dụng chúng và khơi mào Chiến tranh Triều Tiên lần hai.
"Việc khoe nút bấm hạt nhân trên bàn làm việc dường như chỉ nhằm đe dọa Tổng thống Trump, người từng gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên là người tên lửa bé nhỏ", cây bút James Rothwell của Telegraph nhận định.