Mỹ điều ba tàu sân bay đến biển Nhật Bản để tập trận. Trái lại với những phản ứng trước đó, Triều Tiên lại thể hiện sự im lặng đến bất thường. Thái độ im lặng này của Triều Tiên được thể hiện trong bối cảnh Mỹ và đồng minh đang gia tăng đáng kể hiện diện quân sự trong khu vực cũng như những tuyên bố cứng rắn hơn về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tươi cười khi đi thăm nhà máy mỹ phẩm cùng vợ ngày 29/10. Ảnh: KCNA.
Quân đội Mỹ gần đây tuyên bố ba cụm tàu sân bay chiến đấu của nước này nhiều khả năng sẽ tham gia một cuộc tập trận chung trên biển Nhật Bản vào tháng 11, thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện chuyến công du đầu tiên tới châu Á. Nhiều người từng lo ngại tuyên bố này của Lầu Năm Góc có thể thổi bùng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, nhưng phản ứng của Bình Nhưỡng lại khiến dư luận bất ngờ, theo CNN.
Khác với những tuyên bố "ăn miếng trả miếng" đầy căng thẳng trong những tháng qua với Mỹ, Triều Tiên vẫn giữ im lặng một cách bất thường. Thông tin gần nhất về nhà lãnh đạo Kim Jong-un là những hình ảnh ông đi thăm nhà máy sản xuất mỹ phẩm cùng vợ, trong một tâm trạng thoải mái và vui vẻ.
Đã có lo ngại rằng Triều Tiên sẽ phóng tên lửa trong thời gian diễn ra Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, nhưng rốt cuộc sự kiện chính trị quan trọng nhất trong 5 năm của Bắc Kinh không gặp bất cứ sự trở ngại nào từ nước láng giềng.
Động thái mới nhất liên quan đến chương trình phát triển vũ khí của Bình Nhưỡng chỉ là tuyên bố sẽ tiếp tục phóng thêm vệ tinh vào không gian do tờ Rodong Sinmun đăng tải. Tờ báo cũng sử dụng những lời lẽ kiềm chế và không mang tính chất đe dọa khi đề cập đến hành động quân sự của Mỹ.
Theo bình luận viên James Griffiths, sau nhiều tháng đối đầu căng thẳng, sự im lặng Triều Tiên là dấu hiệu cho thấy quốc gia này có thể đang thể hiện sự nhượng bộ.
Thái độ im lặng này của Triều Tiên được thể hiện trong bối cảnh Mỹ và đồng minh đang gia tăng đáng kể hiện diện quân sự trong khu vực cũng như những tuyên bố cứng rắn hơn về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Trong cuộc họp báo ngày 29/10, các quan chức Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản lên tiếng yêu cầu Triều Tiên kiềm chế những hành động khiêu khích vô trách nhiệm và từ bỏ con đường hủy diệt của việc phát triển vũ khí hạt nhân.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 28/10 cảnh báo Mỹ không bao giờ chấp nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân và sẽ tiến hành đáp trả quân sự quy mô lớn nếu Bình Nhưỡng sử dụng loại vũ khí này.
Cuối tuần trước, Lầu Năm Góc đã triển khai máy bay ném bom tàng hình B-2 để thực hiện một sứ mệnh tầm xa tại châu Á Thái Bình Dương, nhưng không tiết lộ địa điểm cụ thể.
Ngoài B-2, hồi giữa tháng Mỹ cũng điều oanh tạc cơ B-1B, tiêm kích tàng hình F-22 đến tham gia triển lãm vũ khí tại Seoul và thông báo kế hoạch triển khai phi đội 12 tiêm kích đa năng F-35 đến căn cứ Okinawa của Nhật vào tháng 11.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy.
Cuối cùng, việc Washington điều ba tàu sân bay USS Nimitz, USS Theodore Roosevelt và USS Ronald Reagan đến Thái Bình Dương được đánh giá là động thái mang tính răn đe nhất với Triều Tiên.
Tướng Kenneth Mckenzie, trưởng ban Tham mưu Liên quân Mỹ, cho biết ba tàu này sẽ lần đầu tiên tiến hành cuộc tập trận chung trong 10 năm nhằm thể hiện năng lực mạnh mẽ khó có thể so sánh của hải quân Mỹ trong khu vực.
Lo ngại
Theo các chuyên gia quân sự, các oanh tạc cơ B-1B, B-2 và hai mẫu tiêm kích F-22, F-35 đều là những vũ khí giữ vai trò then chốt trong các kế hoạch tấn công phủ đầu của Mỹ nhằm vào Triều Tiên.
Các chuyên gia này cảnh báo việc điều động những máy bay tàng hình tới khu vực có thể thúc đẩy Triều Tiên tấn công các căn cứ không quân của Mỹ và đồng minh, bởi đây là biện pháp duy nhất mà Bình Nhưỡng có thể đối phó với những máy bay tàng hình mà họ không thể theo dõi được trên không phận.
Theo chuyên gia Adam Mount, thành viên cao cấp thuộc Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, những động thái gần đây của chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như bắt nguồn từ ý tưởng sử dụng đối sách "bên miệng hố chiến tranh" để buộc Triều Tiên phải "quy phục", tuy nhiên chiến lược này cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định.
Theo ông Mount, những diễn biến trong 10 tháng gần đây cho thấy các tuyên bố mang tính chất đe dọa hay hành động khiêu khích quân sự không thể buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. "Mỹ cần ngồi lại cùng các đồng minh để cân nhắc về tính cần thiết của việc triển khai lực lượng quân sự quy mô lớn trong việc răn đe Triều Tiên", chuyên gia này đánh giá.