Thực ra các chuyên gia Trung Quốc đã cảnh báo về vùng núi mà Triều Tiên cho thử vũ khí hạt nhân. Y như rằng, tai nạn sập hầm ở bãi thử Punggye-ri đã xảy ra, được cho là khiến ít nhất 200 người thiệt mạng. Nhưng Triều Tiên tuyên bố sẽ vẫn tiếp tục đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân sau vụ này.
Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA thông báo rằng, nước này sẽ "chủ động tiến lên trên con đường chiến thắng" nhờ đẩy mạnh phát triển kho vũ khí hạt nhân nhằm có đủ khả năng "răn đe hạt nhân".
Trang tin Uriminzokkiri ở Trung Quốc do nhà nước kiểm soát dẫn lại thông báo trên KCNA cho biết: "Triều Tiên sẽ tự động tiến lên trên con đường chiến thắng, giữ vững lập trường không chịu khuất phục trước bất cứ cơn bão và áp lực nào, cho dù kẻ thù cố thách thức đầy tuyệt vọng".
KCNA cáo buộc, Mỹ đang "điên loạn" nỗ lực kiểm soát tiến trình hoàn thiện lực lượng hạt nhân của Triều Tiên nhưng Bình Nhưỡng đã "thành công để chấm dứt sự đe dọa cũng như mối đe dọa hạt nhân của Mỹ và mở đường cho sự phát triển độc lập, thịnh vượng bền vững".
Những tuyên bố của Triều Tiên được đưa ra trong bối cảnh các hãng truyền thông Nhật Bản và phương Tây đồng loạt đưa tin về vụ tan nạn sập hầm kép tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri của nước này hôm 10.9 khiến ít nhất 200 người thiệt mạng.
Theo kênh truyền hình Asahi của Nhật Bản ngày 31.10, khoảng 100 công nhân đã bị kẹt bên trong khi một căn hầm đang xây dở tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri bị sập và thêm 100 người khác có thể đã thiệt mạng trong lúc cố cứu những người mắc kẹt trong một vụ sập thứ 2 ngay sau đó.
Vụ sập đang gây ra mối lo ngại về một vụ rò rỉ phóng xạ khổng lồ có thể gây ra thảm hoạ theo kiểu Chernobyl hoặc Fukushima.
Dù đến nay Triều Tiên vẫn chưa lên tiếng xác nhận về vụ tai nạn. Tuy nhiên, nếu tai nạn thảm khốc thực sự đã xảy ra ở Punggye-ri thì theo một số chuyên gia phân tích, đây có thể là sự kiện đánh dấu sự kết thúc của chương trình hạt nhân bí mật của Triều Tiên bởi địa điểm này hiện quá nguy hiểm cho một vụ thử khác.
Theo đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng sẽ phải vất vả để tìm một địa điểm thử mới, bí mật và ổn định hơn bãi thử Punggye-ri.
Ngoài ra, vụ sập hầm cũng có thể làm suy giảm lực lượng lao động tại bãi thử hạt nhân Triều Tiên nếu thực sự ít nhất 200 công nhân đã thiệt mạng trong tai nạn ngày 10.9.
Thông tin về vụ sập hầm tại Punggye-ri được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn không ngừng leo thang do cuộc khẩu chiến gay gắt giữa chính quyền Kim Jong-un và Donald Trump.
Báo KCNA tháng trước cảnh báo, bán đảo Triều Tiên "đang ngấp nghé thảm hoạ hạt nhân và không ai biết được thời điểm nào một cuộc chiến tranh nhiệt hạch sẽ nổ ra" đồng thời nhấn mạnh "canh bạc quân sự của Mỹ để chống lại Triều Tiên có thể dẫn tới sự hủy diệt hoàn toàn".