Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định quyền lực của mình sau Đại hội Đảng. Vị thế của Trung Quốc trên thế giới cũng có phần thay đổi. Tuy nhiên, "thời đại Tập Cận Bình" trong tương lai sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa "Tư tưởng Tập Cận Bình" vào điều lệ đảng, nâng vị thế của ông Tập ngang hàng với cố lãnh tụ Mao Trạch Đông. Giới phân tích cho rằng điều này không chỉ giúp ông Tập củng cố quyền lực trong nền chính trị ở Bắc Kinh, mà còn tạo điều kiện để ông xây dựng vị thế mới cho Trung Quốc trên trường quốc tế, theo CNN.
"Mao Trạch Đông thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Đặng Tiểu Bình mang đến thịnh vượng cho đất nước và nay Tập Cận Bình sẽ mang về quyền lực", Frank Ching, chuyên gia về chính trị Trung Quốc, nhận xét.
Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội, ông Tập đã tuyên bố về khởi đầu của "kỷ nguyên mới" cho Trung Quốc, vạch ra tham vọng biến nước này thành siêu cường hàng đầu thế giới vào năm 2050. Để thực hiện được tham vọng này, Trung Quốc sẽ ngày càng quyết đoán và đảm nhận nhiều vai trò hơn trên trường quốc tế, trong đó Sáng kiến Vành đai và Con đường là một phần quan trọng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Florida hồi tháng 4
Cây bút James McGregor, người từng xuất bản một cuốn sách nghiên cứu về Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc đang tìm cách lấp đầy lỗ hổng quyền lực thế giới trong bối cảnh Mỹ đang rơi rút lui khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu với chính sách "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump, châu Âu cũng trở nên bất ổn hơn bao giờ hết. "Thế giới cần tìm kiếm một lãnh đạo mới và Trung Quốc đang tìm cách đảm nhận vai trò này", McGregor nhận định.
"Ông Tập đã khai thác được một cơ hội chiến lược ở châu Á nhờ vào sự thận trọng của chính quyền cựu tổng thống Mỹ Barack Obama và sự rối loạn trong chính quyền Trump hiện nay", các chuyên gia tại Viện Lowy ở Australia đánh giá.
Tiếp tục quan điểm cứng rắn
Về vấn đề Triều Tiên, tâm điểm tạo nên thế đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đã thể hiện rõ ràng quan điểm né tránh những áp lực liên tục từ Washington yêu cầu gia tăng sức ép lên Bình Nhưỡng, dù họ lên tiếng ủng hộ các biện pháp trừng phạt hay hạn chế một số hoạt động kinh doanh của Triều Tiên ở Trung Quốc.
Tong Zhao, chuyên gia tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không thay đổi lập trường về vấn đề Triều Tiên sau Đại hội đảng. Ông khẳng định chính sách muốn ngay lập tức phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên của chính quyền Trump "thực sự được nhìn nhận như một điều ảo tưởng, phi thực tế ở Trung Quốc".
7 thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) khóa 19 ngày 25/10 ra mắt truyền thông trong nước và quốc tế.
Theo Tong, rất ít khả năng Bắc Kinh sẽ khuất phục trước áp lực từ Washington để hành động cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng bởi nó tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng tới nền kinh tế của chính Trung Quốc và gây bất ổn cho quốc gia láng giềng Triều Tiên.
Trung Quốc thời gian qua bắt đầu tăng cường hợp tác quân sự với Nga. Hai nước tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung gần St Petersburg hồi tháng 8. Nga còn là một trong những quốc gia có đóng góp quan trọng cho sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.
Trung Quốc cũng mạnh tay rót tiền đầu tư, đẩy mạnh viện trợ vào châu Âu và châu Phi thông qua các dự án kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng. Tại một số quốc gia đang phát triển, Bắc Kinh có xu hướng dần thay thế Washington trở thành nhà tài trợ chính.
Trung Quốc giờ đây "hiện diện khắp toàn cầu và khi Mỹ thoái lui, họ sẽ thế chỗ", Ching bình luận.
Tuy nhiên, theo McGregor, dù hưởng lợi từ "lỗ hổng quyền lực" của thế giới hiện nay, Trung Quốc vẫn sẽ gặp rất nhiều thách thức trong tham vọng xây dựng vị thế mới trên trường quốc tế, bởi một thực tế rằng nước này chưa có được nhiều đồng minh, đối tác như Mỹ.
"Trung Quốc hiện không có nhiều bạn bè bởi chính lập trường cứng rắn trong nhiều hồ sơ quốc tế mà họ theo đuổi. Mục tiêu của họ là khiến Trung Quốc trở nên mạnh mẽ và chỉ dựa vào chính mình", McGregor nhận định. "Tôi không nghĩ họ chịu nhìn nhận những tác động từ hành động đó đối với thế giới cũng như cách chúng khiến thế giới đánh giá về Trung Quốc", ông nói.