Nhiều người Triều Tiên được cho là làm việc cực khổ ở nước ngoài để gửi tiền về nước. Chính quyền Hàn Quốc mới quyết định viện trợ cho Triều Tiên 8 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, người dân đã không đồng tình và tỏ thái độ bực tức ra mặt.
Người Triều Tiên lao động cực khổ trong hãng giày của Trung Quốc để gửi ngoại tệ về cho đất nước - Ảnh: AFP
Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, tại một cuộc họp liên ngành, chính phủ của Tổng thống Moon Jae In đã quyết định hỗ trợ trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai ở Triều Tiên đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.
Theo đó, Seoul sẽ gửi các sản phẩm dinh dưỡng trị giá 4,5 triệu USD cho trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai ở Triều Tiên thông qua Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và các loại thuốc men trị giá 3,5 triệu USD thông qua Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF).
Bộ trên cho biết chính phủ sẽ cân nhắc thời điểm thực hiện kế hoạch sau khi tính tới nhiều yếu tố, trong đó có tình hình liên Triều.
Bộ trưởng Thống nhất Cho Myong Gyon giải thích thêm: "Chúng tôi luôn nói rằng chúng tôi theo đuổi viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên xét theo điều kiện sống nghèo khổ của trẻ em và phụ nữ có thai, chuyện này nằm ngoài các vấn đề chính trị".
Theo Hãng tin Reuters, quyết định của chính quyền Seoul đương nhiên được các tổ chức LHQ chào đón.
Trong một tuyên bố trước khi có quyết định của chính quyền Hàn Quốc, bà Karin Hulshof - giám đốc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của UNICEF, cho biết những vấn đề mà trẻ em Triều Tiên đang phải đối mặt "thì mọi người đều quá rõ rồi".
"Chúng tôi ước tính có khoảng 200.000 trẻ em Triều Tiên bị suy dinh dưỡng cấp, làm tăng nguy cơ tử vong và gia tăng tỉ lệ còi cọc", bà Hulshof cho biết.
Thực phẩm, thuốc men và dụng cụ y tế thiết yếu để điều trị cho trẻ em đều bị thiếu"
Bà Karin Hulshof - giám đốc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của UNICEF
Lần gần nhất mà Hàn Quốc gửi viện trợ cho láng giềng miền Bắc, thông qua Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), là vào tháng 12-2015, dưới thời của nữ tổng thống Park Geun Hye,.
Ăn mừng thử hạt nhân và phóng tên lửa thành công ở thủ đô Bình Nhưỡng hôm 6-9. Việc đầu tư tốn kém cho hạt nhân của chính quyền Bình Nhưỡng khiến nhiều người cảm thấy tiền viện trợ bị lợi dụng - Ảnh: REUTERS
Quyết định của chính quyền tổng thống Moon diễn ra trong bối cảnh có lo ngại cho rằng viện trợ của Hàn Quốc cho Triều Tiên có thể ảnh hưởng đến các biện pháp trừng phạt của quốc tế nhằm gây sức ép buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.
Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn giữ quan điểm viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên cần phải tách biệt với các biện pháp trừng phạt và sức ép của quốc tế chống Bình Nhưỡng, nêu rõ lập trường cơ bản của Seoul là giúp đỡ nhân đạo cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương ở Triều Tiên.
Quyết định này đã khiến tỉ lệ ủng hộ tổng thống Moon bị xuống thấp thêm nữa. Ngày 21-9, hãng thăm dò dư luận Realmeter của Hàn Quốc cho biết tỉ lệ ủng hộ cho ông Moon chỉ còn 65,7%, suy giảm tháng thứ tư liên tiếp.
Mặc dù tỉ lệ ủng hộ như vậy vẫn còn cao, nhưng những người được khảo sát cho biết ông Moon đã mất đi sự ủng hộ của họ do quyết định viện trợ của chính quyền bất chấp những hành động khiêu khích liên tục của Triều Tiên.
Tổng thống Moon Jae In sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Donald Trump vào cuối ngày 21-9 (giờ Mỹ) bên lề Đại hội đồng LHQ để bàn về giải pháp cho vấn đề Triều Tiên.