Quả bom H mà Triều Tiên thử hôm 3/9 quả là có sức công phá siêu mạnh. Các ảnh chụp vệ tinh mới đây cho thấy vụ thử bom đã làm ngọn núi ở đây lún xuống.
Ảnh chụp vệ tinh sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên cũng cho thấy nhiều điểm sạt lở ở vùng núi Mantap của Triều Tiên. (Ảnh: 38North)
Triều Tiên hôm 3/9 đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần 6 bên trong đường hầm chạy bên dưới núi Mantap, gần bãi thử Punggye-ri.
Đến nay vẫn còn khá nhiều tranh cãi về sức mạnh của vụ nổ hạt nhân được coi là mạnh nhất từ trước đến nay này của Triều Tiên. Trong khi giới chức Nhật Bản và Hàn Quốc cho rằng, đương lượng nổ của quả bom Triều Tiên khoảng 50-100 kiloton thì giới chuyên gia Mỹ cho rằng con số này có thể lên tới 250 kiloton, nghĩa là gấp 16 lần quả bom Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.
Đánh giá về sức mạnh của vụ nổ, ông Jeffrey Lewis, giám đốc chương trình Đông Á tại Viện nghiên cứu chống phổ biến hạt nhân James Martin (California), cho biết các ảnh chụp vệ tinh trước và sau ngày 3/9 cho thấy sự thay đổi độ cao của núi Mantap sau vụ thử.
Cụ thể, trước vụ thử, núi Mantap có chiều cao 2.205m. Tuy nhiên, sau vụ thử, độ cao của ngọn núi đã giảm.
“Các bạn có thể thấy rõ ràng vụ nổ đã làm dịch chuyển ngọn núi nơi Triều Tiên cũng dùng cho các vụ thử hạt nhân trước đó”, chuyên gia Lewis cho biết.
Ông Lewis cho biết, các ảnh chụp vệ tinh này là của công ty công nghệ vũ trụ Airbus cung cấp cho Viện nghiên cứu James Martin.
Melissa Hanham, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu James Martin, cũng cho rằng các ảnh vệ tinh mới là bằng chứng nữa cho thấy vụ nổ hạt nhân của Triều Tiên hôm 3/9 mạnh nhất từ trước đến nay. Sau vụ thử năm ngoái, các chuyên gia không nhận thấy sự thay đổi đáng kể trên bề mặt ở khu vực núi Mantap.
Trước đó, các nhà khoa học Trung Quốc cảnh báo, núi Mantap có nguy cơ đổ sập nếu Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân ở khu vực này và kéo theo nguy cơ rò rỉ phóng xạ.
Giới tình báo Mỹ dựa vào các hình ảnh vệ tinh mới cũng cho biết, Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân nữa cũng tại đường hầm ở núi Mantap, nhưng lần này là ở cửa phía nam, thay vì phía bắc.
Therealtz © VietBF