Mối nguy hiểm của Triều Tiên với an ninh của Mỹ và đồng minh ngày càng lớn. Giải quyến bằng thương lượng, đàm phán hiện nay gần như không có khả năng thực thi. Mỹ và Triều Tiên vẫn có những trận đấu khẩu quyết liệt.
Tàu tấn công USS Wasp của Mỹ đã xuất phát từ cảng quê hương ở Virginia để lên đường đến Sasebo, Nhật Bản gia nhập vào Hạm đội Số 7 của Hải quân Mỹ. Chiến hạm này mang theo những chiếc chiến đấu cơ tối tân nhất của Mỹ đến khu vực ngay sân sau của Triều Tiên. Động thái này diễn ra trong bối cảnh tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang "căng như dây đàn" vì một loạt vụ phóng tên lửa và hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng.
Chiến đấu cơ F-35
Chiến hạm Wasp – một chiếc tàu tấn công đổ bộ và là chiếc tàu hàng đầu trong lớp tàu này, không có nhiều không gian rộng cho các máy bay cất và hạ cánh từ boong tàu của nó như những chiếc tàu sân bay khổng lồ lớp Nimitz nhưng tàu Wasp vẫn mang theo một phi đội máy bay tối tân nhất F-35B.
Đưa chiếc tàu tấn công đổ bộ đến sát bán đảo Triều Tiên “là để đảm bảo những vũ khí không chiến luôn được triển khai ở phía trước”, ông Andrew Smith – một chỉ huy trên tàu USS Wasp cho hay.
“Các năng lực của chúng tôi cùng với phi đội chiến đấu cơ F-35B sẽ giúp tăng cường năng lực tấn công chính xác của Hải quân trong khu vực mà Hạm đội Số 7 đảm nhiệm. Tàu Wasp sẽ giúp đảm bảo cam kết của Mỹ với an ninh và sự ổn định hàng hải ỏ khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương”, ông Smith cho biết thêm.
Với việc tàu Wasp đưa thêm phi đội F-35 đến gần Triều Tiên, đây sẽ là phi đội F-35 thứ hai được Mỹ triển khai đến khu vực. Phi đội đầu tiên đã được đưa đến Căn cứ Không quân của Thủy quân lục chiến Mỹ ở Okinawa, Nhật Bản, hồi tháng Ba.
Mỹ tăng cường năng lực tấn công đến gần Triều Tiên trong bối cảnh siêu cường số 1 thế giới nhiều lần đe dọa sẵn sàng tấn công Bình Nhưỡng vì những hành động khiêu khích không ngừng trong thời gian qua.
Sẽ có tới 100 chiếc chiến đấu cơ F-35 được đưa đến khu vực gần bán đảo Triều Tiên trong những năm sắp tới bởi cả Seoul và Tokyo đều đã nhất trí mua hơn 40 chiếc máy bay chiến đấu loại này từ tập đoàn Lockheed Martin.
Chiến đấu cơ F-35 do hãng Lockheed Martin thiết kế và phát triển dựa trên phiên bản máy bay X-35 trước đó. Đây là loại chiến đấu cơ tiêm kích đa năng tàng hình hiện đại và cơ động bậc nhất thế giới. Máy bay này được phát triển để thực hiện các nhiệm vụ như tấn công các mục tiêu trên mặt đất, trinh sát và phòng không.
Dự án F-35 được ca ngợi là kỳ tích công nghệ, tạo ra sản phẩm có thể thống trị bầu trời. F-35 có 3 phiên bản khác nhau gồm F-35A, F-35B và F-35C. Trong đó, F-35A có khả năng cất và hạ cánh như máy bay chiến đấu thông thường; F-35B cất và hạ cánh thẳng đứng như trực thăng và F-35C triển khai trên các tàu sân bay.
Các thông số kỹ thuật của F-35 cho thấy đây là một thế hệ máy bay tàng hình vượt bậc, với chiều dài khoảng 15m, có sức chứa trong hơn 7.200 lít nhiên liệu và có thể bay với tốc độ lên tới hơn 1.920 km/h. Vũ khí mà F-35 được trang bị cũng hết sức tối tân, bao gồm 1 khẩu pháo GAU-12/U 25 mm - gắn từ 180 quả đạn đến 220 quả đạn tùy phiên bản nâng cấp. F35 được trang bị tên lửa, bom nhiều hơn và một thùng nhiên liệu phụ. Trong thân máy bay, tối đa có 4 tên lửa đối không AIM-120 AMRAAM, AIM-9X Sidewinder hay AIM-132 ASRAAM hoặc 2 tên lửa đối không và 2 tên lửa đối đất.
Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ từng tự tin tuyên bố loại máy bay tiêm kích tàng hình F-35 mới của họ có thể tiêu diệt các hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga - một trong những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất trên thế giới. Vì thế, F-35 được rất nhiều nước thèm muốn. Tất cả các phiên bản của F-35 đều được trang bị công nghệ tàng hình siêu việt, có khả năng tránh radar, đạt tốc độ siêu âm và gắn camera giúp phi công có thể quan sát 360 độ từ buồng lái xuống mặt đất.
Tuy nhiên, dự án phát triển F-35 cũng là dự án vũ khí gây tranh cãi nhất, là dự án vũ khí đắt đỏ nhất lịch sử nước Mỹ và cũng lắm trục trặc.